Chủ nghĩa bảo hộ - chủ đề 'nóng' trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Canada

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 18/11 tới ở thủ đô Washington.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Trudeau cho biết ông sẽ sử dụng cuộc gặp với ông Biden tại Phòng Bầu dục để nhấn mạnh sức sống kinh tế của thương mại lục địa và tầm quan trọng của chuỗi cung ứng tích hợp, trong bối cảnh Tổng thống Biden dường như có ý định xúc tiến chiến lược “Mua của Mỹ” trong lĩnh vực ô tô và các dự án cơ sở hạ tầng.

Ông Trudeau nói: “Kể từ khi ông Biden đắc cử, chúng tôi đã nói về mối quan ngại của chúng tôi đối với chiến lược 'Mua hàng Mỹ', vốn đặt ra thách thức đặc biệt không chỉ với các công ty và người lao động ở Canada, mà còn ở Mỹ, vì sự tích hợp trong chuỗi ung ứng nói riêng và nền kinh tế của hai nước nói chung... Việc người Mỹ áp đặt thêm rào cản và hạn chế đối với thương mại giữa hai nước sẽ phản tác dụng”.

Sau cuộc gặp song phương, hai nhà lãnh đạo sẽ hội đàm với người đồng cấp Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador. Đây sẽ là lần gặp mặt đầu tiên của các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ kể từ năm 2016.

Các động thái bảo hộ của Tổng thống Biden được phe Dân chủ trong Quốc hội ủng hộ và được các tổ chức công đoàn Mỹ hoan nghênh, nhưng bị các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ, Canada và Mexico phản đối. Lance Fritz, Giám đốc điều hành Union Pacific Corporation kêu gọi các nhà lãnh đạo của ba nước loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ và xây dựng một nền kinh tế Bắc Mỹ mạnh mẽ hơn, hội nhập hơn để cả ba quốc gia có thể cạnh tranh tốt hơn trên quy mô toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kêu gọi ba quốc gia thực hiện đầy đủ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới và xây dựng chuỗi cung ứng khu vực linh hoạt, tăng cường độc lập về năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, nông dân và người lao động ở cả ba quốc gia. 

Perrin Beatty, Chủ tịch Phòng Thương mại Canada, bày tỏ hy vọng Thủ tướng Trudeau cũng sẽ phản đối nỗ lực của Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer muốn đóng cửa đường ống dẫn dầu Line 5 - vận chuyển 540.000 thùng dầu mỗi ngày. Nếu Line 5 ngừng hoạt động, 30.000 việc làm tại Ontario và Quebec - hai tỉnh đông dân nhất Canada - sẽ gặp rủi ro. Canada và Mỹ từng có quan hệ đối tác chiến lược, nhưng điều đó đã bị thay thế bởi chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, được thúc đẩy bởi tình hình chính trị trong nước.

Ông Beatty nhấn mạnh Canada có trữ lượng lớn các khoáng sản quan trọng cần thiết cho ngành công nghiệp quốc phòng, các nhà sản xuất ô tô điện và các sản phẩm tiêu dùng, chẳng hạn như điện thoại thông minh. Hiện nay, các quốc gia công nghiệp phát triển ở phương Tây phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc để cung cấp các khoáng sản quan trọng. Nắm giữ một lượng lớn nguồn cung khoáng sản này, Canada có thể là một nhân tố quan trọng của giải pháp để khu vực công nghiệp Mỹ không phụ thuộc vào Trung Quốc.

Hương Giang (TTXVN)
Biên giới Canada - Mỹ có thể đóng cửa tới cuối tháng 11
Biên giới Canada - Mỹ có thể đóng cửa tới cuối tháng 11

Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đang khiến Mỹ và Canada có thể sẽ kéo dài lệnh đóng cửa biên giới giữa hai nước tới ít nhất là cuối tháng 11 năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN