Tờ New York Times đưa tin hàng trăm nghìn binh sĩ Triều Tiên đang được huy động để giúp người nông dân gieo trồng và thu hoạch mùa màng. Quân đội nước này cũng đang tái cấu trúc một số nhà máy sản xuất vũ khí để sản xuất máy kéo và máy tuốt lúa, đồng thời chuyển đổi một số sân bay thành nhà kính.
Các chỉ thị trên do nhà lãnh đạo Kim Jong-un trực tiếp đưa ra. Ông đồng thời kêu gọi quân đội trở thành “động lực” của phong trào gia tăng sản xuất lương thực.
Nhiều nhà quan sát cho rằng đó vừa là mệnh lệnh nhằm mục đích kinh tế, vừa là phép tính địa chính trị quan trọng đối với Triều Tiên - một quốc gia bị cấm vận và phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Những lệnh trừng phạt được áp đặt từ năm 2016 liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu, khiến nguồn ngoại tệ giảm mạnh. Sau đó, đại dịch COVID-19 và chính sách đóng cửa biên giới của Bình Nhưỡng đã tiếp tục siết chặt những giao dịch ít ỏi còn lại với Trung Quốc.
Các quan chức Hàn Quốc dự báo tình trạng thiếu hụt lương thực ở Triều Tiên sẽ không sẽ dẫn đến nạn đói hàng loạt. Nhưng đại dịch COVID-19 đã làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong ba năm, Triều Tiên buộc phải đóng cửa biên giới với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn duy nhất của nước này. Các giao dịch chỉ được duy trì ở mức tối thiểu.
Tháng 6/2021, ông Kim Jong-un đã lên tiếng cảnh báo về tình hình lương thực “căng thẳng” tại cuộc họp của Đảng Lao động. Tại sự kiện trên, ông đã đưa ra “mệnh lệnh đặc biệt” để quân đội giải phóng một số kho dự trữ gạo cho chiến tranh để giúp giảm bớt tình trạng thiếu lương thực. Theo giới chức nước láng giềng Hàn Quốc, đó là một động thái hiếm hoi ở đất nước nơi quân đội luôn được ưu tiên về mọi nguồn lực.
Ngoài ra, nhà phân tích Kim Dawool tại Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế của Hàn Quốc, cho biết Triều Tiên không thể cung cấp đủ thiết bị nông nghiệp hay phân bón cho nông dân vì tác động của đại dịch và đóng cửa biên giới.
Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nhập khẩu phân bón của Triều Tiên từ Trung Quốc đã giảm xuống còn 5,4 triệu USD vào năm ngoái, từ mức 85 triệu USD vào năm 2018. Năm 2021, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đề nghị người nông dân trồng gấp đôi diện tích lúa mì - loại cây không cần sử dụng nhiều phân bón.
Bên cạnh đó, năm 2020, sản lượng ngũ cốc của Triều Tiên giảm mạnh từ mức 4,6 triệu tấn của một năm trước đó còn 3,4 triệu tấn. Theo ước tính của Cơ quan Phát triển Nông thôn Hàn Quốc, mặc dù hoạt động sản xuất đã được phục hồi trong hai năm qua, Triều Tiên vẫn còn thiếu hụt một triệu tấn ngũ cốc nữa đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Tháng 2, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên, đã đăng bài bình luận khuyến khích tự lực về kinh tế đồng thời cho rằng phụ thuộc vào hỗ trợ từ bên ngoài để đối phó với tình hình lương thực trong nước giống như việc nhận “kẹo độc”.
Rodong Sinmun cảnh báo không nên nhận viện trợ kinh tế từ “những kẻ đế quốc sử dụng viện trợ như một cái bẫy để cướp bóc và chinh phục” các nước nhận viện trợ đồng thời “can thiệp vào chính trị nội bộ của họ”.
Bài bình luận được Rodong Sinmun đăng hôm 22/2, chỉ vài ngày sau khi Hàn Quốc tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng lương thực ở Triều Tiên "dường như đã xấu đi".