Chính trường Ba Lan 'náo động' khi Tổng thống cam kết ký luật liên quan đến Nga

Tổng thống Ba Lan nói rằng một ủy ban mới được thành lập sẽ có nhiệm vụ làm giảm ảnh hưởng của Nga, nhưng phe đối lập lo ngại rằng điều này "gây ra một cuộc nội chiến ở Ba Lan".

Chú thích ảnh
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh: DW

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 29/5 cho biết ông sẽ ký thông qua một luật gây tranh cãi nhằm thành lập một Ủy ban điều tra ảnh hưởng của Nga đối với chính trị Ba Lan, có thể cấm những người liên quan giữ chức vụ chính quyền trong một thập kỷ.

Chính phủ Ba Lan nói rằng đó là một nỗ lực nhằm "loại bỏ tận gốc" các đặc vụ của Điện Kremlin ở Ba Lan, nhưng phe đối lập cảnh báo rằng Ủy ban này nhằm mục đích "quấy rối" các đối thủ chính trị - đặc biệt là Donald Tusk, cựu Thủ tướng Ba Lan và từng là Chủ tịch Hội đồng châu Âu, hiện là lãnh đạo đảng Civic Platform đối lập - trước cuộc bầu cử quốc hội quan trọng vào mùa Thu này.

Quyết định trên có khả năng làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Warsaw và Brussels, với việc Ủy ban châu Âu đóng băng hàng tỷ USD tiền quỹ phục hồi đại dịch của EU vì lo ngại Chính phủ Ba Lan đang vi phạm các nguyên tắc dân chủ của khối.

Luật trên đã được Quốc hội Ba Lan thông qua vào cuối tuần trước sau một cuộc tranh luận sôi nổi, nhưng quyết định nhanh chóng ký thành luật của Tổng thống Duda đã dập tắt hy vọng rằng ông sẽ không can dự vào vấn đề pháp quyền và khiến phe đối lập tức giận.

Phe đối lập tố cáo Ủy ban này là một "vũ khí chính trị" được thiết kế để nhằm vào các đối thủ của Đảng  Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền trước một cuộc bầu cử mà họ có thể thua.

“Tổng thống Duda đã làm suy yếu nghiêm trọng đất nước của chúng ta, cả bên trong lẫn bên ngoài; ông ấy đã quyết định gây ra một cuộc nội chiến ở Ba Lan”, Szymon Hołownia, người đứng đầu đảng đối lập Ba Lan 2050 cho biết.

Borys Budka, một trong những lãnh đạo của Civic Platform, cảnh báo rằng bất kỳ ai tham gia Ủy ban đó đều phải đối mặt với việc truy tố. Ông Budka nói: “Ủy ban này không có nhiệm vụ giải thích bất cứ điều gì, quyết định bất cứ điều gì, đánh giá bất cứ điều gì, nó chỉ được coi là một công cụ chống lại phe đối lập".

Ủy ban trên dự kiến có 9 thành viên sẽ được lựa chọn bởi quốc hội nơi PiS chiếm đa số; một số đảng đối lập đã nói rằng họ sẽ tẩy chay thủ tục này. Ủy ban dự kiến sẽ xem xét các hành động được thực hiện “dưới ảnh hưởng của Nga” từ năm 2007 đến năm 2022 - giai đoạn bao gồm các chính phủ nhiệm kỳ 2007-2015 do đảng Civic Platform của ông Tusk lãnh đạo cũng như chính quyền PiS hiện tại. 

Những người chỉ trích cho rằng việc thành lập Ủy ban là vi hiến vì chức năng của nó không được xác định chính xác và các thành viên của Ủy ban được tránh mọi trách nhiệm hình sự. “Tổng thống Duda ký luật cho phép quốc hội thành lập Ủy ban nhằm thay thế chức năng của tòa án, công tố viên và các cơ quan đặc biệt”, Ben Stanley, Phó Giáo sư tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Warsaw, viết trên Twitter.

Về phần mình, ông Tusk đã kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn ở Warsaw vào ngày 4/6 tới. “Đây không còn là cuộc biểu tình của một đảng đơn lẻ, đây là về vấn đề an ninh quốc gia. Các chính trị gia của chúng tôi sẽ tham gia”, lãnh đạo đảng đối lập Hołownia nói.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)
EU yêu cầu Ba Lan nộp phạt vì không tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu
EU yêu cầu Ba Lan nộp phạt vì không tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu

174 triệu euro sẽ bị khấu trừ từ quỹ EU phân bổ cho Ba Lan nếu nước này tiếp tục từ chối trả các khoản tiền phạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN