Chính sách về Israel gây căng thẳng ngày càng tăng trong Bộ Ngoại giao Mỹ

Đã có những vụ từ chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ vì chính sách Israel của Washington kể từ ngày 7/10 năm ngoái. Ngoại trưởng Antony Blinken đang phải vật lộn với sự phản đối ngày càng tăng trong Bộ Ngoại giao Mỹ trước sự ủng hộ kiên định của Washington dành cho Israel.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc gặp tại cửa khẩu Kerem Shalom, biên giới Israel và Dải Gaza, ngày 1/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Antony Blinken được cho là đã "tức giận" trước những rò rỉ từ nội bộ trong Bộ Ngoại giao Mỹ về chính sách Israel - Gaza của Washington, trang tin thenationalnews.com (UAE) ngày 21/5 đưa tin. Theo đó, ông Blinken đã ra lệnh cho cấp dưới của mình xử lý những rò rỉ từ Bộ này trong một cuộc họp gần đây.

“Mặc dù chúng tôi không bình luận về các cuộc họp nội bộ, nhưng Bộ trưởng Blinken đã nói rõ rằng việc rò rỉ thông tin về các cuộc thảo luận ngoại giao nhạy cảm không thúc đẩy lợi ích của Mỹ và có thể gây khó khăn cho việc tham gia vào các cuộc tham vấn nhằm đa dạng hoá quá trình hoạch định chính sách”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói.

Sự bất đồng về cách Mỹ xử lý cuộc chiến Israel-Hamas và việc Washington từ chối gây áp lực buộc Israel phải ngừng bắn dường như ngày càng gia tăng bên trong Bộ Ngoại giao Mỹ.

Đã có một loạt người từ chức vì chính sách Israel của Washington kể từ ngày 7/10 năm ngoái, trong đó có Josh Paul, một quan chức liên quan đến việc xử lý việc chuyển giao vũ khí, và Annelle Sheline, một quan chức đối ngoại tại Văn phòng Các vấn đề Cận Đông thuộc Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động.

Hala Rharrit, người phát ngôn tiếng Arab của Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng đã từ chức vào tháng trước. Trong khi đó, các nhân viên khác cũng đã gửi nhiều thông điệp cho thấy bất đồng quan điểm nội bộ.  Kênh bất đồng quan điểm ở Bộ Ngoại giao Mỹ ​​được thiết kế như một phương tiện để các nhân viên bày tỏ mối quan ngại của họ trong nội bộ về các vấn đề chính sách.

Aaron David Miller, nhà phân tích lâu năm về Trung Đông tại Bộ Ngoại giao Mỹ, người đã nghỉ hưu năm 2003, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy tình huống nào có nhiều sự phản đối nội bộ đối với một chính sách do Nhà Trắng đưa ra cho Bộ Ngoại giao thực hiện”.

Theo cơ quan y tế Gaza, hơn 35.500 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi Israel phát động chiến dịch quân sự ở Gaza. Mỹ đã kiên quyết hỗ trợ Israel, mặc dù căng thẳng giữa hai nước ngày càng gia tăng khi chiến dịch kéo dài và số người chết tiếp tục gia tăng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tạm dừng vận chuyển vũ khí trong tháng này và đe dọa sẽ có nhiều hành động hơn nếu Israel thực hiện một chiến dịch quân sự toàn diện vào Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang tị nạn.

Israel đã bắt đầu tấn công vào Rafah, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi một báo cáo tới Quốc hội trong tháng này, trong đó họ nói rằng việc Israel đã vi phạm luật pháp quốc tế ở Gaza là “có lý” nhưng việc “cung cấp các trang thiết bị quốc phòng” có thể tiếp tục.

Ở trong nước, xung đột Israel - Hamas đã kích động sinh viên trên khắp nước Mỹ biểu tình phản đối chính sách của Mỹ và mối liên hệ giữa các cơ quan chính quyền với Israel.

Sự phản đối tương tự đó dường như đang lan truyền trong một số quan chức trong chính phủ Mỹ. Chuyên gia Miller: “Mọi người đang tức giận. Chiến tranh Israel - Hamas đã đạt đến một ngưỡng mới hoặc gây ra mức độ bất mãn mới trong chính phủ Mỹ và rõ ràng, trọng tâm của sự bất mãn đó, có thể hiểu được, là ở Bộ Ngoại giao”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (thenationalnews.com)
Mỹ bình luận về nguyên nhân vụ rơi máy bay chở Tổng thống Iran
Mỹ bình luận về nguyên nhân vụ rơi máy bay chở Tổng thống Iran

Cố vấn Truyền thông An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết Mỹ vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân vụ rơi máy bay trực thăng khiến Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian và một số quan chức khác thiệt mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN