Chính phủ Mỹ làm gì với kho tiền điện tử bí mật, đủ loại bitcoin, ethereum, litecoin?

Chính phủ Mỹ thường xuyên tổ chức các cuộc đấu giá kho bí mật Bitcoin, Ethereum, Litecoin và những loại tiền điện tử khác, nhưng thường không thu được giá "hời".

Chú thích ảnh
Cơ quan chức năng Mỹ đã thu nhiều tiền điện tử Bitcoin trong các chiến dịch chống tội phạm mạng. Ảnh: CNBC

Theo trang CNBC, trong nhiều năm nay Chính phủ Mỹ đã duy trì những cuộc đấu giá Bitcoin và các loại tiền điện tử khác mà họ thu giữ trong các chiến dịch chống tội phạm. Nhưng Mỹ đã thực hiện công việc này một cách khá tệ khi không xác định thời điểm “vàng” của thị trường.

Các cuộc đấu giá đã khởi đầu thành công với vụ triệt phá Silk Road vào năm 2013. Đây là một thị trường web đen chuyên buôn bán hàng hóa bất hợp pháp. Chính phủ có thể đã bán 500 Bitcoin cho Riot Blockchain vào năm 2018 với giá khoảng 5 triệu USD. Số Bitcoin đó hiện có giá 23 triệu USD. Hay 30.000 Bitcoin đã đến tay tỷ phú đầu tư mạo hiểm Tim Draper với giá 19 triệu USD vào năm 2014, một con số ngày nay sẽ là hơn 1,3 tỷ USD.

Chính phủ Mỹ đã thu giữ tất cả số Bitcoin trái phép đó cùng với các tài sản thông thường liên quan đến hoạt động tội phạm. Tất cả đều được bán với mức giá nhẹ nhàng như vậy. Jarod Koopman, Giám đốc đơn vị Tội phạm mạng của Sở Thuế vụ Mỹ, cho biết: “Đó có thể là 10 chiếc thuyền, 12 chiếc ô tô và sau đó, một trong những lô được đấu giá là một số lượng X đồng Bitcoin”.

Một trong những cuộc đấu giá lớn là số tiền điện tử trị giá 56 triệu USD mà các nhà chức trách đã tịch thu trong vụ án lừa đảo đa cấp liên quan đến chương trình cho vay tiền điện tử ra nước ngoài BitConnect. Không giống như các cuộc đấu giá khác, trong đó số tiền thu giữ được phân phối lại cho các cơ quan chính phủ khác nhau, tiền thu được từ vụ bán đấu giá tiền điện tử này sẽ được sử dụng để hoàn trả cho các nạn nhân của vụ lừa đảo.

Hoạt động thu giữ và mua bán tiền điện tử của chính phủ đang phát triển nhanh đến mức họ cần tranh thủ sự giúp đỡ của khu vực tư nhân để quản lý việc lưu trữ và bán các mã tích trữ token của mình. Giới chức Mỹ chủ yếu sử dụng các công cụ chống tội phạm cũ để đối phó với việc theo dõi và thu giữ các token được thiết lập bằng mật mã, nhằm trốn tránh cơ quan thực thi pháp luật.

Jud Welle, một cựu công tố viên tội phạm mạng liên bang, cho biết: “Chính phủ thường đi sau bọn tội phạm vài bước khi nói đến đổi mới và công nghệ”. Nhưng ông Welle dự đoán rằng trong 3-5 năm nữa, “sẽ có các hướng dẫn sử dụng được chỉnh sửa và cập nhật liên quan đến cách tiếp cận trong truy tìm và thu giữ tiền điện tử”.

Hiện giai đoạn chính trong dòng chảy của Bitcoin và các loại tiền điện tử khác thông qua hệ thống tư pháp hình sự ở Mỹ. Giai đoạn đầu là hoạt động khám xét và thu giữ; Giai đoạn hai là thanh lý tiền điện tử bị thu giữ; Và giai đoạn ba là sử dụng số tiền thu được từ việc bán tiền điện tử đó.

Theo ông Koopman, trong thực tế, giai đoạn đầu tiên là một nỗ lực liên ngành. Nhóm của ông thường tham gia điều tra chung cùng với các cơ quan chính phủ khác như Cục Điều tra Liên bang, An ninh Nội địa, Cơ quan Mật vụ, Cơ quan Chống Ma túy hoặc Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ.

"Rất nhiều trường hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực mạng, trở thành cuộc điều tra chung, bởi vì không một cơ quan nào có thể thực hiện tất cả", Koopman cho biết. Ông từng tham gia vụ án Silk Road của chính phủ và cuộc điều tra AlphaBay năm 2017, dẫn tới đóng cửa một thị trường web đen lớn. 

 

Chú thích ảnh
Các nhân viên FBI hoàn thành tịch thu vật liệu đưa một chiếc xe tải ra khỏi nhà của Chủ tịch Nghiệp đoàn Công nhân Ô tô United, Gary Jones vào 28/8/2019. Ảnh: CNBC

Trong những năm gần đây, Chính phủ Mỹ đã thu giữ một lượng tiền điện tử kỷ lục. “Trong năm tài chính 2019, chúng tôi đã thu tiền điện tử trị giá khoảng 700.000 USD. Năm 2020, con số này lên tới 137 triệu USD. Và cho đến thời điểm này năm 2021, con số đã đạt 1,2 tỷ USD”, ông Koopman nói với CNBC hồi tháng 8, trước khi năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9.

Khi tội phạm mạng tăng lên – cùng với đó là khối lượng mã token kỹ thuật số - kho tiền điện tử của chính phủ Mỹ dự kiến sẽ còn phình to hơn nữa.

Cảnh sát Tư pháp Mỹ (USMS) là cơ quan chính chịu trách nhiệm bán đấu giá các khoản tiền điện tử thu giữ được. Cho đến nay, cơ quan này đã bán đấu giá hơn 185.000 Bitcoin. Số tiền đó hiện có giá trị khoảng 8,6 tỷ USD, mặc dù trên thực tế nhiều đồng Bitcoin đã được bán giá thấp hơn rất nhiều so với giá hiện nay.

Đó là một trách nhiệm lớn đối với tổ chức chính phủ đảm nhận công việc, và cũng là lý do tại sao Cảnh sát Tư pháp không còn gánh vác nhiệm vụ này, một mình nữa. Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp Mỹ, một cơ quan thường bán đấu giá tài sản liên bang dư thừa, đã bổ sung tiền điện tử bị tịch thu vào danh mục đấu giá từ đầu năm nay.

Vào tháng 7, sau cuộc tìm kiếm kéo dài hơn một năm, Bộ Tư pháp đã thuê ngân hàng Anchorage Digital có trụ sở tại San Francisco làm bên giám sát đối với tiền điện tử bị thu giữ hoặc tiêu hủy trong các vụ án hình sự. Anchorage là ngân hàng liên bang đầu tiên về tiền điện tử, sẽ giúp chính phủ lưu trữ và thanh lý tài sản kỹ thuật số này. 

Theo ông Koopman, quy trình bán đấu giá tiền điện tử, theo mức giá phải chăng, có thể sẽ không thay đổi. Việc cố gắng chọn thời điểm để bán tiền điện tử với giá cao nhất không phải là mục tiêu. 

Vào tháng 11/2020, Chính phủ Mỹ đã thu giữ số Bitcoin trị giá 1 tỷ USD liên quan đến vụ Silk Road. Do vụ án vẫn đang được xử lý, số Bitcoin đó không được đấu giá. Nếu chính phủ bán số Bitcoin này khi giá đạt đỉnh trên 67.000 USD vào tháng trước, thì sẽ thu được nhiều hơn rất nhiều so với giá thanh lý vào ngày hôm nay.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNBC)
Mỹ có thể loại biên hai loại thuốc hàng đầu trị COVID-19 vì biến thể Omicron
Mỹ có thể loại biên hai loại thuốc hàng đầu trị COVID-19 vì biến thể Omicron

Biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng có thể sớm khiến các bác sĩ Mỹ không thể sử dụng hai trong số các phương pháp điều trị tiêu chuẩn mà họ đã sử dụng để chống lại COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN