Chính phủ Mỹ cạn tiền viện trợ cho Ukraine

Nhà Trắng chỉ còn lại 250 triệu USD để chi hỗ trợ quân sự cho Kiev, trong khi chờ Quốc hội phê duyệt đề xuất khổng lồ, 33 tỉ USD.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine tháo dỡ vũ khí do Mỹ viện trợ. Ảnh: AFP

Theo đài RT (Nga), người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki tiết lộ: Chính phủ Mỹ cần Quốc hội phê duyệt yêu cầu trị giá 33 tỷ USD càng sớm càng tốt vì họ chỉ còn 250 triệu USD từ gói hỗ trợ trước đó dành cho Ukraine.

Hôm 28/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký yêu cầu Quốc hội duyệt chi 33 tỉ USD để hỗ trợ cho Ukraine. Ông thừa nhận rằng 33 tỉ USD "không phải là rẻ" nhưng cần thiết. Trong đó, hơn 20 tỉ USD sẽ được chi cho vũ khí, đạn dược và các gói hỗ trợ quân sự khác. 8,5 tỉ USD sẽ được dùng để hỗ trợ kinh tế trực tiếp cho chính phủ Ukraine và 3 tỉ USD được Washington dùng để viện trợ nhân đạo và an ninh lương thực.

Trong một cuộc họp báo cùng ngày, bà Psaki được hỏi thời hạn chót mà chính phủ “thực sự cần” nguồn tài trợ mới. Người phát ngôn Nhà Trắng đáp rằng "nhu cầu là khẩn cấp, cũng như nhu cầu tài trợ khẩn cấp cho dịch COVID-19."

“Như bạn biết, chúng tôi đã có 3,5 tỷ USD hỗ trợ an ninh quân sự. Chúng tôi còn lại khoảng 250 triệu USD trong số đó. Vì vậy, rõ ràng, chúng tôi sẽ làm việc để xúc tiến và cung cấp số tiền đó [33 tỉ USD] cho người Ukraine”, bà Psaki nói.

Nữ phát ngôn viên nhấn mạnh rằng để cung cấp cho Kiev “vũ khí họ cần, pháo binh họ cần, thiết bị họ cần”, do vậy việc nhận được nguồn kinh phí tài trợ mới là “chắc chắn là cấp thiết.”

Trong khi đó, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều cho rằng số tiền 33 tỷ USD có thể không được phê duyệt nhanh chóng vì có nhiều vấn đề cần được giải quyết. Đài CNN dẫn các nguồn tin cho biết đảng Dân chủ đang nhắm tới việc thông qua gói này vào cuối tháng 5, nhưng các đảng viên Cộng hòa cho biết họ sẽ cần thêm thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng hơn về những nội dung cần đưa vào dự luật.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine phóng tên lửa chống tăng vác vai Javelin do Mỹ viện trợ. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, bình luận về viện trợ tài chính và việc chuyển vũ khí từ Washington tới Kiev, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 29/4 cho biết Mỹ không quan tâm đến hòa bình ở Ukraine mà thay vào đó đang làm mọi cách để cuộc xung đột ở nước này kéo dài càng lâu càng tốt.

Yêu cầu của Nhà Trắng về việc tài trợ bổ sung viện trợ cho Ukraine được đưa ra cùng ngày Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh này đang chuẩn bị hỗ trợ Kiev "trong nhiều tháng và nhiều năm" khi xung đột với Nga có thể kéo dài. Ông cũng tiết lộ NATO có mục đích giúp Ukraine chuyển “từ các thiết bị cũ từ thời Liên Xô sang các hệ thống và vũ khí hiện đại hơn theo tiêu chuẩn NATO”.

Những tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các nước phương Tây cuối cùng đã bắt đầu cung cấp cho Kiev các loại vũ khí mà nước này yêu cầu.

Ngược lại, Moskva đã liên tục cảnh báo và phản đối việc phương Tây "bơm đầy" vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều đó sẽ chỉ dẫn đến việc kéo dài các hành động quân sự và sẽ gây ra những vấn đề lâu dài trong tương lai. Điện Kremlin cũng nói rõ rằng bất kỳ chuyến vận chuyển khí tài quân sự nào cũng được coi là mục tiêu của Nga khi chúng được đưa vào Ukraine.

Nga đưa quân vào Ukraine từ ngày 24/2, sau khi cáo buộc Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk 2015, do Đức và Pháp làm trung gian, nhằm trao cho các vùng ly khai quy chế đặc biệt trong nhà nước Ukraine.

Điện Kremlin sau đó yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)
Nga cảnh báo Ukraine sẽ rơi vào hố nợ của Mỹ
Nga cảnh báo Ukraine sẽ rơi vào hố nợ của Mỹ

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cảnh báo đạo luật mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua về cho mượn-cho thuê vũ khí sẽ khiến nhiều thế hệ người Ukraine phải gánh nợ nần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN