Chính phủ liên minh Anh: Mong manh nhưng không dễ vỡ

Cách đây đúng một năm, hai đảng Bảo thủ và Dân chủ Tự do của Anh bắt tay nhau lên nắm quyền với dấu ấn là nụ cười thắng cử tươi rói và những cái vỗ lưng thân mật giữa hai nhà lãnh đạo. Thế nhưng, chính phủ liên minh đầu tiên trong 80 năm qua ở “xứ sở sương mù” đang trong một giai đoạn được đánh giá là “mù mịt nhất”, với nền kinh tế phục hồi yếu kém, nhiều chính sách đưa ra bị dân chúng phản đối và mâu thuẫn nội bộ dâng cao sau các cuộc bầu cử hôm 5/5.

Bất chấp những biện pháp cải cách mạnh tay, kinh tế Anh vẫn đang hồi phục yếu ớt, thậm chí có nguy cơ suy thoái trở lại. Các số liệu chính thức của Văn phòng Thống kê Quốc gia cho thấy, GDP của Anh đã giảm 0,5% trong quý IV/2010 và chỉ tăng 0,5% trong quý I/2011. Điều đó đồng nghĩa trong 6 tháng nền kinh tế này không hề tăng trưởng.

Trong khi lĩnh vực chế tạo chưa khởi sắc, thì lĩnh vực dịch vụ, chiếm 2/3 sản lượng kinh tế, vẫn lẹt đẹt. Lạm phát tăng cao gần gấp đôi so với mục tiêu đề ra của chính phủ là 2%, nhưng ngân hàng trung ương không dám tăng lãi suất hiện đang thấp kỷ lục, đồng thời phải tiếp tục duy trì chương trình kích thích tăng trưởng, vì lo sợ sẽ cản trở tiến trình hồi phục của nền kinh tế. Liên đoàn Công nghiệp Anh hôm 9/5 đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này xuống còn 1,7% trong năm nay và 2,2% trong năm 2012, do hậu quả của giá cả lên cao, thất nghiệp tăng và các chương trình cắt giảm chi tiêu và tăng thuế của chính phủ.

Về mặt xã hội, người dân Anh đang trải qua một năm đầy sóng gió với những biện pháp cải cách mạnh bạo do chính phủ liên minh thực thi. Phần lớn tác động của các biện pháp này rơi vào tài khóa 2011-2012, khởi đầu của kế hoạch 5 năm cắt giảm chi tiêu công nhằm đưa thâm hụt ngân sách từ 10% GDP xuống còn hơn 1,1% GDP. Ước tính sẽ có khoảng 300.000 chỗ làm trong lĩnh vực công bị tinh giản. Để tăng thu ngân sách, từ đầu năm 2011 thuế giá trị gia tăng ở Anh được tăng từ 17,5% lên 20%, càng khiến đời sống của người lao động thêm chật vật trong cơn bão suy thoái kinh tế. Ngoài ra, chính phủ còn quyết tâm tăng mạnh học phí đại học và cải tổ lĩnh vực bảo hiểm y tế.

Hậu quả của các biện pháp mạnh tay nói trên là những cuộc biểu tình chống đối lớn xảy ra liên tiếp của các giới, từ công chức, nhân viên công đoàn tới sinh viên, mà đỉnh điểm là cuộc đại biểu tình ngày 26/3/2011. Hàng trăm ngàn người từ khắp cả nước đã đổ về thủ đô Luân Đôn để phản đối các biện pháp cải cách của chính phủ, trong một cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2003 khi người dân Anh phản đối cuộc chiến tranh Irắc.

Về chính trị, nội bộ chính phủ liên minh Anh đã xuất hiện những vết rạn nứt nghiêm trọng. Khi quyết định bắt tay với nhau hồi năm ngoái, đảng Bảo thủ với đại diện là Thủ tướng David Cameron muốn thu thập đủ số phiếu để thành lập chính phủ, còn Dân chủ Tự do của Phó Thủ tướng Nick Clegg thì tìm kiếm một cơ hội để thay đổi cơ chế bầu cử vốn chỉ ưu ái các đảng lớn như Bảo thủ và Công đảng. Trong những tháng đầu tiên, cả Bảo thủ và Dân chủ Tự do đều thể hiện thiện chí gác lại bất đồng nhằm đảm bảo cho cỗ máy liên minh được vận hành trơn tru. Tuy nhiên, càng đến gần các cuộc bầu cử hội đồng địa phương và cuộc trưng cầu ý dân về thay đổi cơ chế bầu cử, cả hai bên bắt đầu công khai thể hiện sự khó chịu và tung về phía nhau những chỉ trích nặng nề.

Tại các cuộc bầu cử địa phương vừa qua, đảng Dân chủ Tự do đã bị giáng một đòn nặng nề khi mất tới 700 ghế tại các hội đồng địa phương. Cay đắng hơn, cuộc vận động cải cách bầu cử - hòn đá tảng chính sách của Dân chủ Tự do khi gia nhập liên minh – đã hoàn toàn thất bại khi có tới 68,3% dân chúng Anh bỏ phiếu phản đối nhằm “trừng phạt” sự vào hùa của Clegg trong các chính sách cải cách kinh tế - xã hội của chính phủ do đảng Bảo thủ đề xướng. Về phía Bảo thủ, dù thắng lợi nhưng uy tín của thủ lĩnh Cameron cũng sứt mẻ tương đối khi ông bị cáo buộc “yếu kém và không có khả năng giữ lời hứa” sau cuộc vận động ngăn cản cải cách bầu cử. Bộ trưởng Năng lượng Chris Huhne, một nhân vật hàng đầu của Dân chủ Tự do, bày tỏ sự giận dữ trước những cáo buộc Bảo thủ “chơi bẩn” nhằm ngăn cản người dân Anh đến với một cơ chế bầu cử hợp lý hơn. Còn khi bình luận về đối tác thuộc Dân chủ Tự do trong chính phủ liên minh, một bộ trưởng của Bảo thủ thậm chí nói thẳng: “Chúng tôi phải đâm vào mặt họ trước khi họ đâm chúng tôi từ sau lưng”.

Sau cuộc bầu cử 5/5, cả Bảo thủ lẫn Dân chủ Tự do chắc chắn sẽ không còn sự đồng thuận như trước và sẽ công khai phản đối nhau trong các bất đồng về chính sách. Tuy nhiên, những tính toán cơ bản giữa hai đối tác trong chính phủ liên minh vẫn hầu như không thay đổi. Uy tín của Dân chủ Tự do đã bị giảm sút quá nhiều, nhưng nếu quyết định bầu cử sớm để hất cẳng đối tác sẽ là một canh bạc đầy rủi ro về chính trị và kinh tế đối với Bảo thủ. Cả Cameron và Clegg vẫn hy vọng đến một ngày nào đó các chính sách mất lòng dân của họ sẽ mang lại hiệu quả: Sự khởi sắc của nền kinh tế. Từ giờ cho đến lúc đó họ vẫn cần đến nhau để tồn tại. Đó là lý do tại sao chính phủ liên minh Anh “mong manh nhưng không dễ vỡ”.

Vũ Hội
(P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN