Con tàu di chuyển qua kênh đào Panama ở Panama City, Panama. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trong cuộc hội kiến Tổng thống Panama José Raúl Mulino, Bộ trưởng Hegseth nhấn mạnh cam kết của Mỹ hợp tác chặt chẽ với Panama để bảo vệ an ninh và ổn định cho kênh đào - huyết mạch thương mại quan trọng của khu vực và thế giới. Washington đánh giá cao nỗ lực của Panama trong việc duy trì hoạt động an toàn và hiệu quả của kênh đào, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thêm khi cần thiết.
Theo thông cáo từ Văn phòng Tổng thống Panama, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề hợp tác quan trọng, bao gồm an ninh hàng hải và bảo vệ kênh đào, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, an ninh mạng và bảo vệ hạ tầng quan trọng, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực an ninh, cùng nhiều nội dung khác.
Hai nước nhất trí sẽ tiếp tục đối thoại thường xuyên về các vấn đề an ninh chung, mở rộng chương trình đào tạo cho lực lượng an ninh Panama, tăng cường giám sát và bảo vệ hạ tầng quan trọng.
Nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Panama, hai nước đã khánh thành bến tàu mới tại căn cứ của Lực lượng Hàng hải Panama, do Mỹ hỗ trợ xây dựng. Mỹ và Panama cũng công bố kế hoạch tập trận chung về bảo vệ an ninh hàng hải và thống nhất tăng cường chia sẻ thông tin tình báo.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Trung Mỹ (CENTSEC 2025), thể hiện cam kết của Washington trong việc tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia trong khu vực.
Đại sứ quán Mỹ tại Panama cho biết thông qua CENTSEC, Bộ Tư lệnh miền Nam của Quân đội Mỹ tìm cách thúc đẩy và tạo điều kiện cho đối thoại và hợp tác giữa các đối tác an ninh khu vực, tập trung vào các thách thức và mục tiêu chung. Hội nghị kéo dài đến hết ngày 10/4 sẽ tập trung vào vấn đề phòng thủ khu vực thông qua các hoạt động chung và an ninh mạng.
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo dài khoảng 82 km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, phân chia Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Kênh đào cắt ngang eo đất Panama và là tuyến đường quan trọng, xử lý khoảng 6% tổng lượng thương mại hàng hải toàn cầu, trong đó Mỹ là quốc gia sử dụng nhiều nhất, chiếm hơn 70% hàng hóa vận chuyển qua đây.
Trung Quốc hiện có khoảng 20% hàng hóa qua kênh đào. Kênh đào Panama cũng là tuyến đường ngắn nhất nối Đông Á với Bắc Mỹ và châu Âu. Nhiều quốc gia phụ thuộc vào kênh đào như Nhật Bản hay Hàn Quốc.