Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn đã đề nghị Quốc hội thảo luận, phê chuẩn quy định về tình trạng khẩn cấp quốc gia vốn sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3 tới. Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 sẽ chưa kết thúc vào cuối tháng 3, vì vậy để tiếp tục đảm bảo các khoản hỗ trợ tài chính cũng như các quy định linh hoạt về chăm sóc sức khỏe và y tế, cần phải tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp để đảm bảo tính pháp lý.
Ông cho biết đề nghị được đưa ra dựa trên yêu cầu của các đảng cầm quyền, trong đó chỉ cơ quan lập pháp mới có thẩm quyền xác định, chấm dứt hoặc gia hạn tình trạng khẩn cấp và quy định này phải được Quốc hội xem xét lại ít nhất 3 tháng một lần. Với việc tình trạng khẩn cấp được xác lập, các sắc lệnh liên quan sẽ không cần phải được gia hạn riêng rẽ mà có thể được gia hạn gần như tự động, trong đó có những quy định như sắc lệnh về xét nghiệm COVID-19, sắc lệnh tiêm chủng, sắc lệnh nhập cảnh hay sắc lệnh theo dõi theo thời gian thực số bệnh nhân COVID-19 được chăm sóc đặc biệt cũng như công suất điều trị và số giường chăm sóc tích cực còn trống trên toàn nước Đức. Dự thảo quy định mới cũng sẽ điều chỉnh đối tượng được tiêm chủng, cũng như các quy định đặc biệt liên quan đến đại dịch.
Khi virus SARS-CoV-2 lây lan rộng ở Đức hồi năm ngoái, Quốc hội nước này đã thông qua Luật Bảo vệ chống lây nhiễm sửa đổi với những cơ sở pháp lý mới nhằm tăng cường khuôn khổ pháp lý cho việc chống đại dịch COVID-19, trong đó xác định tình hình dịch bệnh có nguy cơ đối với cả nước (tình trạng khẩn cấp) và trao thẩm quyển cho Chính phủ Đức thực hiện các biện pháp chống đại dịch. Với quy định này, Bộ trưởng Y tế Spahn đã có thể ban hành nhiều quy định bằng các sắc lệnh mà không cần phải thông qua Quốc hội. Khi thời hạn của tình trạng khẩn cấp sắp hết hạn vào ngày 31/3 tới, Chính phủ liên bang chủ trương kéo dài tình trạng khẩn cấp cho đến ít nhất tháng 6/2021.
Liên quan tình hình vaccine ở châu Âu, Bộ trưởng Spahn cũng cho biết dù vaccine Sputnik V của Nga chưa được cấp phép sử dụng ở châu Âu, song vaccine này đang được nhanh chóng xem xét để có thể sản xuất ngay tại châu Âu khi kết quả các nghiên cứu sơ bộ cho thấy hiệu quả cao của vaccine này.
Theo ông Spahn, trong các cuộc thảo luận với phía Nga, Đức đã đề nghị có thể xem xét khả năng sản xuất vaccine Sputnik V ở Đức hoặc ở các nước châu Âu khác. Ông khẳng định Đức sẽ hỗ trợ việc sản xuất vaccine dù vaccine của Nga vẫn chưa được cấp phép ở châu Âu. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đánh giá cao kết quả thử nghiệm vaccine của Nga cho hiệu quả tới 91,6%, đồng thời nhấn mạnh các vaccine chống COVID-19 được châu Âu cấp phép đều sẽ giúp chống lại đại dịch và được hoan nghênh ở EU. Thủ tướng Merkel cũng đã thảo luận vấn đề vaccine với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bộ Y tế Đức ngày 3/2 cũng xác nhận Nga đã liên hệ với công ty công nghệ sinh học IDT Biologika của Đức nhằm hợp tác sản xuất vaccine Sputnik V.
Trong khi đó, theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert ngày 3/2, việc tiêm chủng vaccine ở Đức vẫn là tự nguyện, đồng thời bày tỏ người dân sẽ ủng hộ bằng việc tham gia tiêm chủng để có thể nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh. Ông Seibert cho biết tới nay đã có khoảng 2,5 triệu người Đức được tiêm chủng và đến cuối mùa Hè, mọi người dân đều có thể tiêm chủng nếu có nhu cầu. Bộ trưởng Spahn thì cho biết trong vài tháng tới, người dân có quyền lựa chọn loại vaccine tiêm chủng khi Đức nhập đủ các loại vaccine đã đặt hàng.
Số liệu do các cơ quan y tế Đức thông báo cho biết, trong 24 giờ qua, nước Đức đã ghi nhận thêm gần 12.600 ca nhiễm mới và 1.036 ca tử vong. Hiện số người còn nhiễm bệnh ở Đức là gần 203.200 người.