Nga đã phái nhiều cường kích, tiêm kích, máy bay không người lái sang Syria để trợ giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Thế nhưng, dường như dư luật ít để ý tới một thực tế khác: Moskva đồng thời triển khai nhiều hệ thống do thám, trinh sát, tác chiến điện tử hiện đại giúp đánh bật lực lượng muốn lật đổ ông Assad.
Máy bay do thám IL-20 tối tân của Nga. Ảnh: Sputnik |
Vài tuần trở lại đây, Nga đã điều máy bay Il-20 – mẫu máy bay trinh sát đứng ngang hàng với chiếc P3-Orion ưu việt của hải quân Mỹ, công cụ do thám tối tân của Lầu Năm góc, sang Syria. Il-20 được thiết kế với nhiều thiết bị hiện đại như radar do thám, bộ thiết bị nghe lén điện tử, cảm biến quang học, hồng ngoại. Với “cỗ máy” do thám nổi trội này, lực lượng Nga ở Syria nắm trong tay công cụ đầy sức mạnh để phát hiện, định vị vị trí quân khủng bố, chỉ thị cho máy bay ném bom chính xác các mục tiêu.
Các thiết bị do thám, trinh sát, tác chiến điện tử khác còn có hệ thống tác chiến điện tử tối tân Krasukha-4, Tổ hợp tham mưu tác chiến và thông tin liên lạc R-166-0.5, đài gây nhiễu tín hiệu R-330P. Đáng chú ý là tổ hợp Krasukha-4, sử dụng để làm nhiễu radar, máy bay, làm rối loạn hệ thống tác chiến của đối phương. Krasukha-4 mới được phiên chế trong quân đội Nga năm 2014 và hiện trên thế giới không có bất cứ quốc gia nào ngoài Nga sở hữu tổ hợp tác chiến điện tử có tính năng tương tự Krasukha-4.
Sự xuất hiện của Il-20 trên bầu trời Syria là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Vladimir Putin muốn lực lượng không quân, bảo đảm ở Syria không bị lệ thuộc quá nhiều vào thông tin tình báo do phía Syria cung cấp để phục vụ tác chiến. Còn với sự hiện diện của Krasukha-4 kết hợp cùng với các hệ thống phòng không khác, Nga đã ngăn chặn trước ý đồ của một số thế lực muốn áp đặt vùng cấm bay ở miền Bắc Syria, vì “Krasukha-4 là vùng cấm bay giành cho ai muốn thiết lập vùng cấm bay”, Igor Sutyagin – chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) nhìn nhận. Với hệ tổ hợp này, lực lượng của Nga luôn luôn giành được quyền kiểm soát bầu trời.
Việc huy động IL-20 và Krasukha-4 vào chiến dịch không kích diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Nga tranh cãi gay gắt về mục tiêu mà các máy bay Nga nhằm tới. Moskva quả quyết chỉ dội bom các mục tiêu quân khủng bố, trong khi Washington nói rằng máy bay Nga phần lớn ném bom nhằm vào các lực lượng “đối lập ôn hòa”. Có thông tin chính xác về mục tiêu từ các hệ thống trinh sát, do thám hiện đại, Nga có điều kiện bảo vệ quan điểm của mình là đúng.
Còn có một số lý do khác để Nga điều chuyển các hệ thống do thám, trinh sát, tác chiến điện tử ở Syria. Kể tử khi nổ ra làn sóng “Mùa xuân Arab”, các nước NATO do Mỹ đứng đầu đã đẩy nhanh hoạt động thu thập thông tin tình báo ở nhiều nước Trung Đông, Bắc Phi, với các công cụ chủ yếu như vệ tinh trinh sát quỹ độ thấp, máy bay do thám, cảnh báo sớm, máy bay do thám không người lái… Hoạt động nhằm vào Syria được đẩy cao, nhất là sau sự xuất hiện của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cùng với các hoạt động mở rộng phạm vi của nhóm này ở Iraq, Syria.
Khi mở cửa chiến dịch can dự về quân sự, Moskva thừa hiểu rằng NATO sẽ đẩy mạnh do thám, theo dõi nhất cử nhất động các máy bay Nga tại các căn cứ ở Syria, từ hướng bay, địa điểm không kích, vũ khí mang theo… Muốn không để bị theo dõi, Nga chỉ còn cách “che mặt, bịt tai” các hệ thống do thám, theo dõi điện tử của phương Tây. Các tổ hợp hiện đại này cũng giúp theo dõi máy bay của Mỹ và các đồng minh hoạt động ở Syria, thu thập thông tin về đường bay, kiểu máy bay, tần số và các tín hiệu đặc trưng đối với từng loại.