Chiến thuật và vũ khí Hamas sử dụng để đối phó với quân đội Israel ở Nam Gaza

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) của Mỹ, kể từ khi lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza kết thúc vào ngày 1/12, lực lượng Hamas đã sử dụng các chiến thuật ngày càng tinh vi và nâng cấp vũ khí tự chế để đối phó với quân đội Israel.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Israel tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ ở Dải Gaza ngày 3/12. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh Israel ngày càng tập trung vào miền Nam Gaza, Hamas cũng đang triển khai các loại vũ khí tiên tiến hơn, bao gồm máy bay không người lái mang theo chất nổ và đạn chống tăng.

Khi xe tăng Israel tiến vào phía Nam Gaza hôm 3/12, giai đoạn thứ hai của cuộc tấn công trên bộ của Israel vào dải đất này đã bắt đầu, kéo theo một loạt thách thức mới đối với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và dường như là chiến lược quân sự mới từ Hamas.

Theo báo cáo công bố ngày 3/12 của ISW, sau lệnh ngừng bắn, lực lượng Hamas dường như đã nâng cấp vũ khí và điều chỉnh chiến thuật dựa trên những bài học rút ra trong tháng giao tranh vừa qua ở Dải Gaza.

Nâng cấp vũ khí

Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là việc Hamas tăng cường sử dụng mìn tự chế EFP - được thiết kế để xuyên qua xe bọc thép, ngay cả khi bắn từ khoảng cách rất xa. Theo ISW, loại vũ khí này chỉ được sử dụng hai lần vào tháng 10 và tháng 11, nhưng đã được triển khai năm lần kể từ ngày 1/12.

Chuyên gia Alexandre Vautravers tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ) nói rằng trong số ba loại EFP được sử dụng hiện nay, loại phổ biến nhất là kích nổ và phóng các mảnh thép theo mọi hướng, gây chết người trong bán kính 10-40 m.

Thông tin chi tiết trong báo cáo của ISW không nêu rõ loại EFP Hamas sử dụng, nhưng đánh giá nhiều khả năng chúng là loại thứ hai hoặc thứ ba thường được sử dụng như đạn chống tăng. Ông Vautravers nhận định với France 24 rằng cả hai loại này đều mang theo những viên đạn có hình dáng đặc biệt, có khả năng "xuyên thủng xe bọc thép hoặc công sự rất dày".

Chú thích ảnh
Bộ binh Israel di chuyển ở phía Bắc Dải Gaza, ngày 2/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Omri Brinner, chuyên gia về địa chính trị Trung Đông thuộc Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế Verona (ITSS) ở Anh, đề cập rằng các loại vũ khí cũ hơn không thể qua mặt được hệ thống phòng thủ Trophy của Israel có thể đánh chặn đạn trước khi chúng bắn trúng xe bọc thép. Tuy nhiên, ông bổ sung rằng lớp bảo vệ như vậy “không được lắp đặt trên mọi mẫu xe tăng”.

Nhưng ông Vautravers cũng lưu ý rằng những EFP hiện đại hơn có thể phóng ở tốc độ siêu thanh, khiến chúng có khả năng xuyên giáp mà không bị Trophy hoặc các hệ thống tương tự chặn lại.

Theo ISW, EFP mà Hamas sử dụng được sản xuất tại Gaza. Ngoài đạn chống tăng, báo cáo của ISW còn bao gồm đoạn video do Hamas công bố hôm 2/12 cho thấy các thành viên lực lượng này sử dụng máy bay không người lái tấn công một chiều nhắm vào lực lượng Israel ở phía Bắc Dải Gaza.

Điều này đánh dấu tiến bộ kỹ thuật khác trong khả năng quân sự của Hamas. Bà Veronika Poniscjakova tại Đại học Portsmouth (Anh) nhận xét: “Hamas đã phát triển máy bay không người lái trong nhiều thập niên và đã sử dụng chúng, nhưng chưa bao giờ hiệu quả và chủ yếu cho mục đích huấn luyện”. Theo bà Poniscjakova, trong tương lai, Hamas có thể sử dụng chiến lược tương tự như chiến lược Israel đã áp dụng trong các cuộc không kích ở phía Bắc và phía Nam Gaza. Hamas có thể triển khai máy bay không người lái kamikaze để tấn công lực lượng Israel trước khi đối đầu trực tiếp.

Dưới đây là video cho thấy Israel tấn công Khan Yunis, phía Nam Gaza hôm 5/12 (Nguồn: AFP):

Chiến thuật mới

Ngoài cải tiến vũ khí, Hamas cũng có thể sẽ ban hành kế hoạch hành động mới chống Israel ở miền Nam Gaza. ISW cho rằng Hamas đã chuyển từ chiến dịch trì hoãn sang phòng thủ có chủ ý. Các hoạt động ở phía Bắc nhằm mục đích làm chậm tiến độ của Israel để giúp Hamas có thời gian di chuyển người và trang thiết bị quân sự từ phía Bắc Gaza đến phía Nam.

Bà Poniscjakova lập luận rằng Hamas sẽ hướng đến cách tiếp cận mang tính đối đầu trực tiếp hơn. Bà lập luận rằng nếu Hamas có thể chuyển hoạt động về phía Nam khi giao tranh đang diễn ra ác liệt ở phía Bắc Gaza thì giờ đây “không còn nơi nào khác để trốn thoát”. Hamas cũng có thể hoạt động táo bạo hơn ở miền Nam so với miền Bắc.

Chuyên gia Ahron Bregman tại Đại học Kings College London (Anh) nhận xét: “Ở phía Bắc Gaza, chúng tôi thấy Hamas hoạt động giống một lực lượng du kích hơn, tránh các trận đánh lớn, lẩn tránh rồi lại nổi lên tấn công rồi lại lẩn trốn. Tuy nhiên, chiến thuật này có thể thay đổi khi Israel hoạt động ở phía Nam Gaza. Hamas có thể quay trở lại cơ cấu tổ chức truyền thống, chia thành đội hình gồm các tiểu đoàn, lữ đoàn…”.

Ông Bregman nói: “Người Israel cũng ít quen thuộc với miền Nam Gaza hơn miền Bắc”, và họ ngày càng chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế nhằm hạn chế số dân thường thiệt mạng ngày càng tăng. Do đó, ông Bergman đánh giá IDF có thể sử dụng ít hỏa lực hơn để tránh gây thiệt mạng cho quá nhiều người dân thường.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo France24)
Rocket của Hamas từng rơi trúng căn cứ nghi chứa tên lửa hạt nhân của Israel
Rocket của Hamas từng rơi trúng căn cứ nghi chứa tên lửa hạt nhân của Israel

Phân tích hình ảnh của New York Times cho thấy một quả rocket mà Hamas phóng từ Dải Gaza vào ngày 7/10 đã đánh trúng một căn cứ quân sự của Israel bị nghi là nơi chứa tên lửa có khả năng hạt nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN