Trung Quốc đang khuấy động cuộc chiến với Mỹ ở Biển Đông?- Kỳ cuối

Chiến thuật nhằm thay đổi hiện trạng trên biển của Trung Quốc

Đối với một quốc gia bên ngoài, tưởng chừng những sự cố liên quan đến bãi đá, giàn khoan, ngư dân… là không có gì để nói, nhưng thực tế, nó là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Nếu xâu chuỗi lại các hành động gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông, những sự cố đó đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về lịch sử, quyền lực và tham vọng của Trung Quốc.

Kể từ khi Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc vào năm ngoái, chính quyền của ông đã nỗ lực để giải quyết một mâu thuẫn vốn có giữa "sự trỗi dậy hòa bình" và khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Ông Tập vẫn tiếp tục tuyên bố về sự phát triển hòa bình trên các diễn đàn quốc tế, nhưng chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng đã bước vào giai đoạn của sự khiêu khích hơn về các vấn đề lãnh thổ.

Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Trung tướng Vương Quán Trung gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Diễn đàn Shangri-La.


Những tín hiệu mới nhất cho phương phát tiếp cận trên là việc Trung Quốc đang thực hiện các bước mở rộng tham vọng lãnh thổ của mình xuống phía đông nam, cụ thể là việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng 5.

Mẫu số chung trong tất cả các tranh chấp hiện tại ở Biển Đông và cả Biển Hoa Đông là Trung Quốc chính là tác nhân chủ yếu cho sự căng thẳng và khủng hoảng trong khu vực. Yêu sách “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” thể hiện cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Hồi tháng 4 vừa qua, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Mỹ, ông Daniel Russel mô tả yêu sách này là thiếu "cơ sở rõ ràng theo luật pháp quốc tế".

Hành vi của Trung Quốc trong khu vực đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Biển Đông không phải là một vấn đề lớn đối với Bắc Kinh trong vài thập kỷ đầu tiên sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949. Biển Đông chỉ nằm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ năm 1970, khi Đặng Tiểu Bình nắm thực quyền. Tại thời điểm đó, khi Trung Quốc là quốc gia tương đối yếu và cần môi trường hòa bình để phát triển kinh tế, đồng thời nhằm giảm căng thẳng và đối đầu, ông Đặng đã đưa ra giải pháp “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Khi nền kinh tế của Trung Quốc đã phát triển thịnh vượng và mạnh mẽ hơn, tính toán của Bắc Kinh đã thay đổi. Nhiều người trong giới tinh hoa của Trung Quốc đã nhận ra sự thay đổi trong phân chia quyền lực và tin rằng Trung Quốc nên hành động quả quyết hơn trong việc theo đuổi lợi ích của mình trong khu vực. Đại diện cho những lợi ích này là Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), Sinopec và được tiếp tay bởi giới “diều hâu” trong lực lượng quân đội nước này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đã bị thuyết phục rằng Bắc Kinh nên chấm dứt giai đoạn “dấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình và thay vào đó tìm cách thay đổi hiện trạng có lợi cho Trung Quốc.

Chiến lược của Trung Quốc hướng tới mục tiêu tăng cường kiểm soát toàn bộ Biển Đông đã được lấp liếm khá khéo léo. Trong khi thể hiện sự quyết đoán trên thực địa, các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh vẫn hàng ngày rêu rao rằng nước này sẵn sàng giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình thông qua đàm phán. Bắc Kinh luôn luôn che đậy những hành động của mình với việc tuyên truyền rằng họ phản ứng do bị “tấn công” trước. Lợi dụng cách tiếp cận này, Trung Quốc cho rằng họ cơ bản ở thế “phòng thủ” và các nước khác là bên gây rối.

Tuy nhiên, hành vi của Trung Quốc luôn khiến căng thẳng leo thang và Bắc Kinh dường như muốn sử dụng sức mạnh áp đảo của mình để khẳng định tuyên bố chủ quyền và tăng cường vị thế. Cách hành xử trên của Bắc Kinh không hứa hẹn cho hòa bình và ổn định lâu dài trong tương lai. Nếu Trung Quốc vẫn ngang ngược, khả năng leo thang và nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng trong tương lai là rất cao.

Hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng nằm trong các bước nhằm phá vỡ nguyên trạng của Bắc Kinh.


Phá vỡ nguyên trạng là bước đi có có tính hệ thống, nhằm “thu hồi chủ quyền” theo phương thức “tằm ăn dâu” thông qua chiến thuật tạo “sự đã rồi”. Thậm chí cả thủ đoạn sử dụng vũ lực nước này cũng không từ. Năm 1956 Trung Quốc đánh chiếm một phần và đến năm 1974 chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1988, Trung Quốc một lần nữa đưa quân đánh chiếm đảo Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Đầu năm 2013, chính quyền Bắc Kinh một lần nữa “gây rối” ở Trường Sa, với các bước đi “chiếm đóng thực tế" trái phép trên bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà Philippines tuyên bố chủ quyền; liên tục duy trì hiện diện thường trực tàu thuyền xung quanh bãi cạn, thay đổi hiện trạng tranh chấp. Việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu vào thềm lục địa của Việt Nam cũng chính là bước đi “thay đổi nguyên trạng”.

Những bước đi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay đang khiến cục diện an ninh châu Á - Thái Bình Dương thay đổi, trong đó nổi lên khả năng can thiệp của các cường quốc, sự tìm kiếm vị trí đối trọng của các quốc gia có tiềm lực hoặc những liên minh quân sự đang được củng cố.

Ván cờ trên biển đã được khởi động với xu thế trang bị thêm sức mạnh quân sự của các bên. Trên ván cờ này, xu thế vừa đấu tranh vừa đối thoại, hợp tác và đối đầu giữa các cường quốc nhằm duy trì lợi ích của mình sẽ vẫn tiếp diễn với cường độ mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Những thay đổi đó chắc chắn sẽ tác động đến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lâu dài của Việt Nam, buộc Việt Nam phải có cái nhìn bình tĩnh, sáng suốt, những bước đi cương quyết, phù hợp và tức thời, kết hợp giữa lý trí và ý chí, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Xem kỳ 1: "Trung Quốc đang khuấy động cuộc chiến với Mỹ ở Biển Đông?"



Vũ Thanh


Trung Quốc đang khuấy động cuộc chiến với Mỹ ở Biển Đông?- Kỳ 1
Trung Quốc đang khuấy động cuộc chiến với Mỹ ở Biển Đông?- Kỳ 1

Với hành động đơn phương và ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ có thể bị kéo vào cuộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN