Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký các sắc lệnh sau lễ nhậm chức tại Washington, D.C., ngày 20/1/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Vì thế, thay vì trực tiếp “xóa sổ” các cơ quan này, Tổng thống Trump và các đồng minh của mình - dẫn đầu là tỷ phú Elon Musk - đang sử dụng một chiến lược tinh vi hơn: cắt giảm nhân sự, đình chỉ hoạt động và tiến hành rà soát các chính sách nhằm đẩy các cơ quan này vào trạng thái “hôn mê”. Từ đó, Quốc hội có thể dễ dàng thông qua các quyết định chấm dứt hoạt động.
Sau 2 tuần đầu của nhiệm kỳ của Chính quyền Trump 2.0, một số cơ quan liên bang quan trọng được nhận định là đang rơi vào trạng thái bị đóng băng hoặc bị tấn công trực tiếp.
Một cơ quan ít được nhắc tên trong thời gian gần đây là Cục Bảo vệ tài chính cho người tiêu dùng (CFPB). Đây là cơ quan được thành lập sau cuộc Đại suy thoái nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi lạm dụng tài chính. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng CFPB từ lâu đã là cái gai trong mắt của đảng Cộng hòa. Trong động thái mạnh mẽ đầu tiên, Chính quyền Trump đã đình chỉ toàn bộ hoạt động của cơ quan này và sa thải Giám đốc Rohit Chopra trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.
Ông Scott Bessent, Bộ trưởng Tài chính kiêm quyền Giám đốc CFPB đã ra lệnh rà soát lại chính sách để đảm bảo “tính nhất quán” với chính quyền mới. Điều này có thể dẫn đến việc loại bỏ nhiều quy định bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm các biện pháp hạn chế phí thấu chi và nợ y tế trên báo cáo tín dụng.
Mục tiêu tiếp theo của Chính quyền Trump là Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Đây là tổ chức chuyên về viện trợ quốc tế được thành lập vào năm 1961 dưới thời Tổng thống John F. Kennedy. Vừa qua, một động thái gây chấn động đối với USAID khi trụ sở chính của cơ quan này bị khóa, trang web bị đóng sập. Trong khi đó, nhân viên của cơ quan này trên toàn thế giới bị đề nghị nghỉ việc và được lệnh trở về Mỹ, theo một chỉ thị được ban hành vào tối ngày 4/2.
Việc đóng băng viện trợ nước ngoài ngay lập tức cũng như việc Tổng thống Trump có những động thái “tiêu cực” với USAID đang tạo ra làn sóng hoang mang trong cộng đồng quốc tế. Các tổ chức viện trợ lo ngại Mỹ đang rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu trong việc phát triển quốc tế. Tỷ phú Elon Musk, người tích cực ủng hộ chiến lược của Tổng thống Trump, đã không ngần ngại gọi USAID là “ác quỷ”.
Ngoại trưởng Marco Rubio kiêm quyền Giám đốc USAID đã gửi thư đến các nhà lập pháp thông báo sẽ bắt đầu quá trình xem xét và tái tổ chức các hoạt động của USAID để tối đa hóa hiệu quả và điều chỉnh các hoạt động phù hợp với lợi ích quốc gia. Trên mạng xã hội, tỷ phú Musk đã dùng những từ ngữ hoa mỹ hơn để ám chỉ rõ ràng đến việc sẽ đóng băng viện trợ nước ngoài.
Và đứng cuối danh sách tạm thời hiện nay là Bộ Giáo dục liên bang của Mỹ. Cơ quan này tồn tại từ những năm 1800, nhưng đến năm 1979 mới được Quốc hội nâng cấp thành một cơ quan độc lập. Truyền thông Mỹ đưa tin rằng một sắc lệnh hành pháp đang được soạn thảo sẽ yêu cầu cho tân bộ trưởng giải thể cơ quan này. Trong khi đó, người được đề cử cho vị trí Bộ trưởng Giáo dục của ông Trump là bà Linda McMahon vẫn chưa được Thượng viện phê chuẩn.
“Tôi đã nói với bà Linda, 'bà Linda, tôi hy vọng bạn sẽ làm tốt việc tự đưa mình ra khỏi công việc.' Tôi muốn cô ấy tự đưa mình ra khỏi công việc – Bộ Giáo dục” Tổng thống Trump nói với các phóng viên vào ngày 4/2.
Mặc dù Quốc hội Mỹ có thể sẽ phản đối việc giải thể Bộ Giáo dục theo yêu cầu của Tổng thống Trump nhưng nhiều người nhận định bà McMahon – vị Bộ trưởng Giáo dục sắp tới, người từng lãnh đạo Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ và là đồng sáng lập WWE - có thể sẽ thực hiện cắt giảm quy mô đáng kể, thậm chí cả vị trí của chính bà.
Kế hoạch sa thải hàng loạt nhân sự và làm suy yếu nhiều tổ chức
Truyền thông Mỹ đưa tin rằng Chính quyền của Trump có thể đang lên kế hoạch sa thải một số lượng lớn nhân viên liên bang - những người từ chối nhận khoản trợ cấp thôi việc vào ngày 5/2. Bên cạnh đó, các biện pháp gây áp lực khác cũng được Chính quyền hiện nay áp dụng, bao gồm việc điều chuyển trụ sở cơ quan, yêu cầu làm việc trực tiếp 5 ngày/tuần bất chấp thỏa thuận lao động nhằm gây sức ép buộc nhân viên liên bang chấp nhận lời đề nghị nhận trợ cấp thôi việc.
Những đợt sa thải lớn này không được xem là tiền đề để chấm dứt công việc của một cơ quan liên bang. Nước Mỹ vẫn cần có Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ An ninh Nội địa và nhiều cơ quan khác. Tuy nhiên, tiến trình sa thải và điều chuyển nhân viên hiện nay tại Mỹ có vẻ sẽ là một sự thay đổi, sự cơ cấu lại với nhiều cơ quan trong đó có Bộ Tư pháp và Cục Điều tra liên bang (FBI).
Bên cạnh đó, tuy không thể đơn phương giải thể các cơ quan liên bang, Tổng thống Trump có thể làm suy yếu chúng bằng cách cắt giảm nhân sự, tái cơ cấu và chuyển giao chức năng. Theo đó, một số nhiệm vụ của USAID có thể bị chuyển sang Bộ Ngoại giao, trong khi Bộ Giáo dục có thể bị xóa bỏ hoặc thu hẹp đáng kể.
Trong một nội dung gửi tới các nhà lập pháp, Ngoại trưởng Mỹ Rubio cho biết USAID có thể được tổ chức lại và sáp nhập một số phái bộ, bộ phận vào Bộ Ngoại giao và phần còn lại của cơ quan này có thể bị bãi bỏ theo luật hiện hành.
Về Bộ Giáo dục, Tổng thống Trump lập luận rằng hệ thống giáo dục Mỹ đang thất bại, mặc dù nước này chi tiêu cho mỗi học sinh nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Ông tuyên bố muốn trao quyền kiểm soát cho các tiểu bang. Tuy nhiên, điều mâu thuẫn là ông cũng đã ký một sắc lệnh vào tháng 1 nhằm lược bớt một số quyền lực về lĩnh vực giáo dục của các tiểu bang.
Tháng 5 vừa qua, Tòa án Tối cao đã xác nhận CFPB có quyền tồn tại nhờ vào mô hình tài trợ thông qua Dự trữ Liên bang nhằm bảo vệ cơ quan này khỏi sự chi phối của “bất kỳ chính đảng nào kiểm soát Quốc hội”. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đang tìm cách vô hiệu hóa CFPB bằng cách ngừng thực thi các quy định của cơ quan này. Điều này có thể khiến các quy định bảo vệ người tiêu dùng, từ hạn chế phí thấu chi đến xóa nợ y tế trên báo cáo tín dụng theo chức năng của cơ quan này sẽ trở nên vô hiệu.
Tóm lại, dù không thể đơn phương giải thể, Tổng thống Trump đang sử dụng chiến lược làm suy yếu các cơ quan liên bang một cách hệ thống, đẩy nhiều cơ quan vào tình trạng “thoi thóp” để chờ Quốc hội ra phán quyết cuối cùng.