Chiến thắng khó đảo ngược của ông Joe Biden 

Chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 một lần nữa được củng cố vững chắc và khó có thể đảo ngược khi ngày 14/12 (giờ Mỹ, ngày 15/12 giờ Việt Nam), cử tri đoàn đã bỏ phiếu xác nhận ông vượt qua đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng vừa qua với 306 phiếu đại cử tri. Sự kiện này là một trong những dấu mốc quan trọng cuối cùng của năm bầu cử đầy hoài nghi và tranh cãi.

Chú thích ảnh
Ông Joe Biden phát biểu sau khi được đại cử tri bỏ phiếu xác nhận là Tổng thống Mỹ thứ 46, tại Wilmington, Delaware, ngày 14/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tiến trình bầu cử Mỹ diễn ra 4 năm một lần, việc các đại cử tri bỏ phiếu thường được coi là mang tính hình thức nhằm chính thức hóa kết quả cuộc bầu cử sau khi 50 bang và Đặc khu Columbia chứng nhận kết quả cuộc bỏ phiếu của cử tri toàn quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump không thừa nhận thất bại trước ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden và đưa ra các hành động pháp lý nhằm thay đổi kết quả bầu cử với cáo buộc có gian lận trong bỏ phiếu tại một số bang chiến địa, thì sự kiện này đặc biệt thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận cũng như mang ý nghĩa quan trọng hơn.

Hiến pháp Mỹ quy định những lá phiếu chính thức của đại cử tri mới quyết định ai sẽ là tổng thống, mặc dù các cử tri trên toàn quốc đã bỏ phiếu bầu tổng thống hơn một tháng trước đó. Mỗi bang có những quy tắc riêng để lựa chọn đại cử tri và số đại cử tri của mỗi bang bằng số nghị sỹ của bang đó trong quốc hội (tổng số hạ nghị sỹ và thượng nghị sỹ). Như vậy, cử tri đoàn gồm 538 đại cử tri của các bang và ứng cử viên tổng thống nào giành được 270 phiếu bầu sẽ chính thức trở thành tổng thống đắc cử. Vài tháng trước ngày bầu cử, mỗi đảng phái chính trị tại Mỹ có ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống sẽ đề cử hoặc bỏ phiếu lựa chọn nhóm đại cử tri của đảng đó. Trong lịch sử, trước khi được lựa chọn, các đại cử tri đã cam kết ủng hộ một ứng cử viên nhất định, vì vậy họ hầu như luôn bỏ phiếu theo cam kết. Trên cơ sở xác định được ứng cử viên giành được đa số phiếu phổ thông của bang, đảng của ứng cử viên này sẽ được phép tiến hành chỉ định các đại cử tri của bang đó.

Các cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn trong năm nay diễn ra riêng biệt tại tòa nghị viện của mỗi bang hoặc văn phòng của thống đốc bang và được bắt đầu từ 10:00 giờ sáng và kéo dài tới 19:00 giờ tối theo giờ Bờ Đông. Đại cử tri của 4 bang gồm Indiana, Tennessee, New Hampshire  và Vermont đã bỏ phiếu đầu tiên vào buổi sáng. Các bang dao động quan trọng như Arizona, Georgia và Pennsylvania, Wisconsin và Michigan bỏ phiếu vào buổi trưa và đầu giờ chiều.  

Theo kết quả các cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn, ông Joe Biden đã giành được chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri tại 24 bang, trong đó có nhiều bang chiến địa quan trọng gây tranh cãi như Michigan, Pennsylvania, Georgia và Wisconsin, trong khi đó Tổng thống Trump giành được 232 phiếu đại cử tri.  Số phiếu đại cử tri mà ông Biden giành được trong cuộc bầu cử năm nay đúng bằng số phiếu đại cử tri Tổng thống Trump có được trong năm bầu cử 2016, thời điểm mà ông tuyên bố đó là “chiến thắng long trời lở đất”. 

Kết quả cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn sẽ được gửi tới Quốc hội, nơi lưỡng viện sẽ nhóm họp vào ngày 6/1 tới với sự chủ trì của Chủ tịch Thượng viện là Phó Tổng thống Mike Pence để kiểm phiếu và công bố chính thức ai sẽ trở thành tổng thống mới của nước Mỹ. Nhiều nhận định trước đó cho rằng có thể có “các đại cử tri bất tín”, không bỏ phiếu cho ứng cử viên như đã cam kết. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra.  Kể từ năm 1948, chỉ có 16 trường hợp đại cử tri bầu cho người khác, trong đó có 7 đại cử tri thay đổi vào năm 2016. Để hạn chế tình trạng này xảy ra, 32 bang và Đặc khu Columbia có luật yêu cầu các đại cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ đã cam kết và thậm chí nhiều bang trong số này còn đưa ra hình phạt đối với những đại cử tri thay đổi.

Ngoài ra, Tổng thống Trump vẫn có thể tìm kiếm một cơ hội nhỏ để cản trở quá trình trên nếu một thành viên của Hạ viện và Thượng viện phản đối quá trình kiểm phiếu vào ngày 6/1. Hai viện Quốc hội sẽ hoãn lại bỏ phiếu để xem xét. Vào năm 2016, các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện đã đưa ra phản đối, nhưng không có phản đối thứ hai từ một thượng nghị sĩ. Năm nay kịch tính có thể xảy ra. Tuy nhiên, cả hai viện sẽ phải duy trì sự phản đối và điều này sẽ không xảy ra với  Hạ viện, nơi các đảng viên Dân chủ nắm quyền kiểm soát.  Bên cạnh đó, việc Tòa án Tối cao Mỹ trước đó đã bác bỏ vụ kiện do Tổng lý trưởng bang Texas dẫn đầu với sự tham gia của 17 tổng chưởng lý các bang và 126 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đòi hủy bỏ hàng triệu phiếu bầu ở 4 tiểu bang dao động Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, đồng nghĩa vụ việc đã kết thúc và ông Joe Biden cùng liên danh tranh cử Kamala Harris có thể “danh chính ngôn thuận” bước vào Nhà Trắng từ ngày 20/1/2021.

Chiến thắng của ông Biden cũng là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực chưa từng có và gây tranh cãi của đương kim Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn các bang chứng nhận kết quả cuộc bầu cử bằng cách đệ đơn kiện tại các bang mà ông cáo buộc có gian lận trong bầu cử. Nhiều người hy vọng căng thẳng sẽ giảm bớt được phần nào sau khi các đại cử tri bỏ phiếu. Tuy nhiên, với những diễn biến như hiện nay, có thể nói chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Trump và các đồng minh trong đảng Cộng hòa sẽ từ bỏ những thách thức pháp lý, thậm chí có khả năng sẽ đưa ra hành động vào ngày 6/1 tới. Một ngày trước khi cử tri đoàn tiến hành bỏ phiếu, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Trump tiếp tục cáo buộc có gian lận trong bầu cử và khẳng định tiếp tục theo đuổi các vụ kiện.

Những tuyên bố của Tổng thống Trump làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra các phản ứng tiêu cực từ các cử tri trung thành với ông, cũng như sự chia rẽ và phân cực ngày càng sâu sắc tại Mỹ. Trong khi đó, bà Jenna Ellis, Cố vấn cấp cao ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump, cũng tuyên bố kết quả đếm phiếu bầu đại cử tri tại Quốc hội Mỹ vào ngày 6/1/2021 mới  là “kết quả cuối cùng”.

Chính vì vậy, trong một bài phát biểu ngay sau khi cử tri đoàn kết thúc bỏ phiếu, ông Joe Biden cho rằng đã đến lúc ông Trump cần chấp nhận kết quả và thực hiện các bước tiếp theo của tiến trình bầu cử khi khẳng định “Tôn trọng ý chí của người dân là trọng tâm của nền dân chủ Mỹ và ngay cả khi chúng ta thấy rằng những kết quả đó khó chấp nhận. Tuy nhiên, đó là nghĩa vụ của những người đã tuyên thệ tuân theo Hiến pháp”. Ông Biden cũng kêu gọi người dân Mỹ vượt qua giai đoạn chia rẽ hiện nay và bước sang một trang mới với tinh thần đoàn kết nhằm hàn gắn đất nước vào thời điểm quốc gia này bị phân cực sâu sắc do tác động của cuộc bầu cử cũng như đại dịch COVID-19. 

Có thể nói rằng việc cử tri đoàn xác nhận chiến thắng của ông Biden gần như đã đặt dấu chấm hết cho nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm đảo ngược kết quả cuộc bầu cử ngày 3/11 vừa qua. Tuy nhiên, ông Joe Biden sẽ phải đối mặt với thách thức xoa dịu những căng thẳng và bất đồng, cũng như tập hợp được người dân Mỹ vốn đang bị chia thành hai phe, trong bối cảnh kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đã đào sâu thêm hố ngăn cách và khơi mào cho tình trạng  rối ren trên chính trường Mỹ.

Đặng Huyền (TTXVN)
Giữa chiến thắng của ông Biden, bà Hillary Clinton kêu gọi bỏ thể lệ đại cử tri
Giữa chiến thắng của ông Biden, bà Hillary Clinton kêu gọi bỏ thể lệ đại cử tri

Ngày 14/12, khi cử tri đoàn tại các bang chính thức đi bỏ phiếu để chọn ra Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng đã đến lúc loại bỏ thể lệ đại cử tri.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN