Chiến lược của ông Macron đã thu được trái ngọt. Đương kim Tổng thống Pháp là người luôn ưa thích đối đầu với bà Marine Le Pen, đối thủ ông đã từng đánh bại trong cuộc đua tay đôi hồi năm 2017. Ông Macron luôn nhằm vào điểm yếu của bà Le Pen cũng như bản năng của cử tri Pháp trong việc ngăn chặn tư tưởng cực hữu thắng thế một lần nữa.
Một chiến thắng đối với bà Le Pen - người cam kết sẽ tạo ra một loạt thay đổi trong chính sách về kinh tế, xã hội và đối ngoại, là điều mà gần như không ai ngờ tới. Không muốn làm các đối tác Liên minh châu Âu (EU) cũng như cộng đồng doanh nghiệp lo âu, người Pháp đã không chọn bà Le Pen, mà chọn sự tiếp nối, với một nhiệm kỳ hai đối với ông Macron.
Đó là một chiến thắng lịch sử. Ông Macron đã trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên đắc cử liên tiếp hai nhiệm kỳ kể năm 2002, thời điểm cựu Tổng thống Jacques Chirac đánh bại ứng cử viên Jean-Marie, bố của bà Le Pen, để tại vị ở nhiệm kỳ thứ 2. Đương kim Tổng thống Pháp cũng đã thắng thuyết phục, với tỉ lệ phiếu bầu theo kết quả sơ bộ đạt 58% so với 42% của đối thủ. Mức mức chênh lên tới 16%, một tỉ lệ mà không nhiều đồng minh của ông có thể nghĩ tới sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu vòng một hai tuần trước đây.
Trong nửa tháng đó, ông Macron đã thành công khi hướng dư luận vào những điểm không nhất quán trong cương lĩnh tranh cử của đối thủ đến từ đảng cực hữu Tập hợp quốc gia, như việc bà Le Pen đề xuất cấm tuyệt đối việc đeo khăn trùm đầu Hồi giáo tại những địa điểm công cộng, cùng với đó là cáo buộc bà “phụ thuộc” vào nguồn tài chính của Nga.
Ông Macron cũng có điều chỉnh hợp lý trong nghị trình vận động tranh cử để thu hút cử tri thiên tả, với cam kết có thể sẽ nghiên cứu giảm độ tuổi nghỉ hưu từ 65 tuổi xuống còn 62 tuổi, theo đuổi lộ trình cắt giảm carbon.
Tuy nhiên, với tỉ lệ cử tri không đi bầu cao (28%) – mức cao nhất kể từ năm 1969, cùng với việc “các đảng phái chống hệ thống” từng giành được tổng số 60% phiếu bầu tại vòng một, đây chưa phải là thời điểm mà nước Pháp hân hoan chào đón chủ nghĩa Macron (Macronism).
Phát biểu trước những người ủng hộ ông dưới chân tháp Eiffel ở thủ đô Paris sau khi có kết quả thăm dò sơ bộ, đương kim Tổng thống Pháp hứa hẹn sẽ theo đuổi một cách tiếp cận mới và bao trùm trong nhiệm kỳ hai nắm quyền. "Tôi không phải là ứng cử viên của một phe phái nào, tôi là Tổng thống của tất cả mọi người" – ông Macron nói, đồng thời cam kết sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Nhà lãnh đạo Pháp cũng hứa sẽ giải tỏa quan ngại của những cử tri không đi bầu cùng khoảng 13 triệu cử tri ủng hộ bà Le Pen.
Người dân Pháp đã từng nghe những cam kết như vậy từ ông Macron, nhất là sau phong trào biểu tình phản kháng “Áo gi-lê vàng” (gilets jaunes) giai đoạn 2018-2019. Liệu ông có thực sự nắm được quyền điều hành trong một hệ thống chính trị mang tính siêu trung ương tập quyền?
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà cá nhân ông sẽ phải làm là xem xét thông qua từng ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng hòa Tiến bước (REM) theo xu hướng trung dung tham gia tranh cử Quốc hội vào tháng 6 tới. Nhiều người cũng đặt câu hỏi về việc liệu ông có đủ sức tạo ra “lớp bảo vệ” cho nước Pháp từ cạnh tranh toàn cầu hay không.
Nhiệm kỳ hai của ông Macron có thể sẽ chông gai hơn cả nhiệm kỳ một. Đảng REM của ông có thể sẽ mất thế đa số tại kỳ bầu cử Quốc hội tới. Các đảng trung tả và trung hữu truyền thống đang ở vào thời kỳ suy yếu, nhưng đảng cực tả, cực hữu sẽ kỳ vọng chạm được vào tâm lý quốc gia để tạo ra thế ràng buộc đối với ông Macron.
Các cuộc biểu tình có thể cũng sẽ xuất hiện, liên quan đến yêu sách đòi cải cách hoặc là xuất phát từ tâm lý phản kháng về chi phí cuộc sống tăng cao. Ông Macron không phải đối mặt với một phong trào đối lập đơn nhất nào, nhưng tâm lý ưu phiền có thể sẽ hội tụ trong một bộ phận cử tri Pháp như từng xảy ra với phong trào biểu tình “Áo gi-lê vàng”. Đã qua rồi những ngày tháng mà ông Macron là người tự do.