Bấp bênh nguồn lợi từ "vàng đen"
Các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - gồm Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Oman - hiện chiếm khoảng 1/3 tổng trữ lượng dầu thô được kiểm chứng của thế giới và 1/5 tổng trữ lượng khí đốt tự nhiên toàn cầu. Các đợt bùng nổ giá dầu trong thập niên 1970, 1980 và đầu những năm 2000 đã mang lại nguồn thu lớn cho các nước vùng Vịnh. Giá dầu khí cao hiện nay do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine đã giúp các nước vùng Vịnh thoát khỏi tình trạng suy giảm kinh tế kéo dài 8 năm do giá dầu thấp và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các nước xuất khẩu dầu mỏ tại vùng Vịnh có thể thu về 1.300 tỷ USD từ dầu khí trong bốn năm tới nhờ giá năng lượng cao.
Tuy nhiên, sự thăng trầm của giá dầu mỏ cũng từng khiến các nền kinh tế ở vùng Vịnh phải điêu đứng. Trong giai đoạn từ năm 2014-2021, sự suy giảm kinh tế và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã gây ra những biến động lớn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Đặc biệt, giữa lúc đại dịch càn quét các nền kinh tế trong các năm 2019-2020, thì năm 2020 chứng kiến giá dầu giao sau tại Mỹ giảm sâu xuống dưới 0 USD lần đầu tiên trong lịch sử và chốt phiên 21/4/2020 ở mức giá âm 37,63 USD/thùng. Thị trường dầu mỏ đã thực sự rơi vào khủng hoảng với những tác động lớn từ đại dịch toàn cầu và các toan tính của những nhà xuất khẩu dầu chủ chốt, trong đó có cả Saudi Arabia và Nga.
Do giá dầu thấp trong giai đoạn 2014-2021, các nước vùng Vịnh đã bị thâm hụt ngân sách rất lớn. Riêng Saudi Arabia ghi nhận các mức thâm hụt khổng lồ trong 8 năm liên tiếp từ năm 2014-2021, với thâm hụt lớn nhất là 103 tỷ USD năm 2015, so với mức thặng dư hơn 40 tỷ USD năm 2013.
Đà phục hồi hậu COVID-19 của nền kinh tế thế giới cũng như tác động từ cuộc chiến tại Ukraine đã đẩy giá dầu đi lên kể từ cuối tháng 2/2022. Giá dầu hiện giao dịch ở mức hơn 90 USD/thùng, sau khi ghi nhận mức gần 140 USD/thùng hồi tháng 3/2022. Đợt tăng giá dầu hiện nay được coi là "phao cứu sinh" cho các nền kinh tế đang suy giảm ở vùng Vịnh. Saudi Arabia kỳ vọng đạt thặng dư ngân sách lớn lần đầu tiên sau 8 năm trong năm nay. IMF dự báo kinh tế Saudi Arabia sẽ tăng trưởng 7,6% năm 2022, trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD. Thu ngân sách của Saudi Arabia dự kiến đạt 326 tỷ USD trong năm 2022, trong khi chi ngân sách tăng lên 302 tỷ USD.
Giá dầu tăng vọt do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine đã mang lại cho các quốc gia vùng Vịnh cơ hội thịnh vượng thêm một lần nữa. Tuy nhiên, đây có thể là lần cuối cùng các nước này được hưởng lợi từ giá dầu cao khi thế giới đang hướng tới việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và dần dịch chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, trong khi các chu kỳ tăng giá dầu khó có thể bền vững. Các nước vùng Vịnh từng chi tiêu phung phí và đầu tư dàn trải vào các dự án kém hiệu quả trong thời kỳ bùng nổ giá dầu. Nhưng khi giá dầu hạ nhiệt hoặc sụt giảm, họ đã rơi vào suy thoái kinh tế, với ngân sách thâm hụt lớn.
Chuyển hướng sang phát triển bền vững
Nhận thấy hướng phát triển kinh tế dựa vào dầu mỏ không còn là con đường bền vững trong dài hạn, vì sự biến động khó đoán định của thị trường dầu mỏ, các quốc gia vùng Vịnh đã đưa ra chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Qatar và UAE đang nỗ lực đầu tư để thúc đẩy các lĩnh vực phi dầu mỏ như du lịch, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo... Trong số các nước Arập vùng Vịnh, Saudi Arabia là trường hợp nổi bật về đa dạng hóa nền kinh tế, với chiến lược Tầm nhìn 2030.
Tháng 6/2016, Saudi Arabia công bố một chiến lược phát triển kinh tế quy mô lớn được gọi là Tầm nhìn 2030, với mục tiêu then chốt là giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua các cải cách mạnh mẽ về đầu tư và kinh doanh, cũng như thúc đẩy một loạt đại dự án trong các lĩnh vực chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics, du lịch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số..., và tạo nhiều việc làm. Trọng tâm của Tầm nhìn 2030 là thiết lập Quỹ Đầu tư công trị giá ít nhất 2.000 tỷ USD vào năm 2030 thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của tập đoàn dầu mỏ quốc doanh lớn nhất thế giới Saudi Aramco. Tập đoàn này hiện có giá trị vốn hóa thị trường hơn 2.400 tỷ USD và chiếm hơn 12% tổng sản lượng khai thác dầu của thế giới. Tầm nhìn 2030 được kỳ vọng sẽ giúp doanh thu từ các hoạt động phi dầu mỏ tăng 6 lần lên 267 tỷ USD. Ngoài ra, nước này cũng đặt mục tiêu nâng mức đóng góp của khu vực tư nhân trong GDP lên 60% vào năm 2030, giảm mức đóng góp trong ngân sách của dầu mỏ từ khoảng 85% hiện nay xuống còn 16% vào năm 2030, đồng thời tái cấu trúc các chính sách trợ cấp để tiết kiệm khoảng 30 tỷ USD/năm. Saudi Arabia cũng xác định du lịch tâm linh là một nguồn thu quan trọng. Do đó kế hoạch cải tổ kinh tế của nước này sẽ thu hút 30 triệu khách hành hương mỗi năm vào năm 2030.
Như một phần trong chiến lược Tầm nhìn 2030, Saudi Arabia mới đây ra mắt Chiến lược Công nghiệp Quốc gia, hướng đến mục tiêu tăng số lượng nhà máy lên khoảng 36.000 vào năm 2035. Chiến lược hướng tới một nền công nghiệp thu hút đầu tư và góp phần đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển sản phẩm nội địa và xuất khẩu các sản phẩm phi dầu mỏ. Saudi Arabia đặt mục tiêu thu hút 427 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong thập niên tới thông qua chương trình phát triển công nghiệp để đa dạng hóa nền kinh tế. Các khoản đầu tư sẽ được thực hiện thông qua Chương trình dịch vụ logistics và phát triển công nghiệp quốc gia (NIDLP), một trong những chương trình được đề ra trong kế hoạch Tầm nhìn 2030 và cũng là một chiến lược cải cách rộng lớn hơn, do Thái tử Mohammed bin Salman lãnh đạo.
IMF và Ngân hàng Thế giới đều dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, trong khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dẩu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm tới. Trong viễn cảnh đó, giá dầu sẽ khó được duy trì ở mức cao như hiện nay. Đa dạng hóa nền kinh tế là chiến lược hết sức cần thiết để các nước vùng Vịnh giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Tuy nhiên, họ vẫn tin tưởng dầu mỏ sẽ vẫn là nguồn năng lượng quan trọng sau năm 2050. Các nước vùng Vịnh một mặt sẽ đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực phi dầu mỏ, mặt khác sẽ củng cố và phát triển ngành dầu mỏ theo hướng bền vững hơn và thân thiện với môi trường.
Trong quá trình thực hiện chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế, Saudi Arabia nói riêng và các nước vùng Vịnh nói chung chắc chắn sẽ hết sức lưu tâm đến vấn đề kiểm soát chi tiêu để tránh các "mô hình bội chi" trong quá khứ. Các nước cũng sẽ quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn thu từ dầu mỏ, thúc đẩy các cải cách cơ cấu hướng tới một nền kinh tế xanh hơn và thúc đẩy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của khu vực tư nhân.