Cờ Liên minh châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Brussels vừa tiết lộ chiến thuật đối phó mới với các chính sách thương mại của chính quyền Trump, cho thấy cách tiếp cận vừa mềm dẻo vừa cứng rắn của Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc đấu trí thương mại xuyên Đại Tây Dương, Politico châu Âu (Politico.eu) ngày 2/5 đưa tin.
Theo nguồn tin trên, Ủy ban châu Âu đã chuyển cho các nước thành viên một chiến lược "hai mũi nhọn" - vừa đưa ra các nhượng bộ tiềm năng vừa chuẩn bị các biện pháp trả đũa nếu đàm phán không thành công. Động thái này nhằm tạo vị thế mạnh mẽ cho EU khi đàm phán với Washington, đồng thời tạo áp lực buộc Mỹ phải nghiêm túc trong các cuộc thảo luận.
Những nhượng bộ và biện pháp trả đũa tiềm năng từ Brussels
Trong "bảng điều khoản" do Ủy ban châu Âu soạn thảo, một số đề xuất nhượng bộ đáng chú ý bao gồm: Thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, nới lỏng một số quy định riêng của EU, giữ nguyên khả năng giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu, hợp tác về vấn đề rào cản thương mại và tình trạng sản xuất dư thừa của Trung Quốc.
Các đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh hạn chế tạm thời 90 ngày mà Tổng thống Trump đã công bố đối với một số mức thuế của Mỹ. Tương tự, phản ứng của EU cũng bị đình chỉ tạm thời cho đến ngày 14/7.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU cảnh báo rằng bất kỳ lời đề nghị nào cũng sẽ bị hạn chế bởi sự chia rẽ nội bộ giữa các nước thành viên. Một số quốc gia không muốn bị coi là khuất phục trước áp lực của Mỹ, trong khi những nước khác lại thận trọng để không làm mất lòng đồng minh truyền thống của mình.
Song song với các đề xuất nhượng bộ, EU vẫn đang chuẩn bị các biện pháp đối phó với mức thuế 25% với ô tô và mức thuế 10% hiện đang áp dụng cho hàng hóa từ EU. Điều đáng chú ý là thay vì nhắm vào các lĩnh vực dịch vụ như "Big Tech" hay Phố Wall như dự đoán trước đó, Ủy ban châu Âu đã chọn áp dụng biện pháp trả đũa truyền thống hơn đối với hàng hóa. Politico dẫn lời một chuyên gia thương mại quốc tế cho biết: "Chiến lược này cho thấy EU muốn giữ căng thẳng ở mức có thể kiểm soát được thay vì leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện với Mỹ".
Pháp đẩy mạnh phản ứng cứng rắn
Không phải tất cả các nước EU đều hài lòng với cách tiếp cận này. Pháp và Bỉ đã thúc đẩy Ủy ban châu Âu sử dụng mọi công cụ có thể để đối phó với các biện pháp thương mại của Mỹ.
"Các biện pháp đối phó phải được áp dụng cho toàn bộ, không chỉ hàng hóa, mà còn phải bao gồm tất cả các công cụ mà chúng ta có", một quan chức của Điện Elysée tuyên bố. Bản thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã đề xuất EU nên cân nhắc sử dụng "bazooka của EU" - công cụ chống cưỡng ép thương mại.
Tổng thống Macron và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Leyen cũng dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề thuế quan vào ngày 5/5 tới tại Paris, bên lề một sự kiện về khoa học và nghiên cứu.
Trong bối cảnh đó, số liệu thương mại cho thấy, thuế quan mới của Mỹ có thể ảnh hưởng đến khoảng 20 tỷ euro hàng xuất khẩu của EU, với các ngành công nghiệp ô tô và rượu cognac của Pháp đứng trước nguy cơ chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Các nhà phân tích thương mại dự đoán rằng cả hai bên sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận trong giai đoạn tạm dừng 90 ngày, nhưng kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào khả năng thỏa hiệp của cả Washington và Brussels.
Như vậy, chiến lược hai mũi nhọn trên cho thấy EU đang chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra, từ đàm phán thành công đến việc phải đối mặt với một cuộc chiến thương mại mới giữa hai đối tác kinh tế lớn của thế giới.