Anh chia sẻ: “Không có giấy tờ cũng giống như con trai tôi không tồn tại. Con không được đi học, không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khi bị bệnh cũng không thể tới các trung tâm y tế”.
Gia đình anh Caetano sống ở trại Bandua từ năm 2019, sau khi cơn bão nhiệt đới cấp 4 Idai càn quét tỉnh Sofala và gây thiệt hại nặng nề. Khi con trai ra đời năm 2021, việc rời trại đi đến một thị trấn xa xôi để đăng ký khai sinh là một việc quá xa xỉ với gia đình anh. Đáng buồn là những đứa trẻ “vô hình” giống như Caetano Jr. không hề hiếm.
Ở Mozambique, chỉ có 49% trẻ em dưới 5 tuổi có giấy khai sinh. Ít địa điểm đăng ký, khoảng cách di chuyển xa, phí vận chuyển cao… là những rào cản mà nhiều người dân quốc gia Đông Phi phải đối mặt. Những trẻ em không có giấy khai sinh sẽ không có quốc tịch, dễ bị ép kết hôn sớm hay bóc lột sức lao động, trong khi chính phủ sẽ thiếu những thông tin dân số và nhân khẩu học để điều chỉnh và phát triển các chính sách cần thiết.
Dữ liệu dân số có vai trò hết sức quan trọng, cung cấp cái nhìn toàn diện về tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử vong, cơ cấu tuổi tác hay di cư, giúp các nhà hoạch định chính sách lập kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu, đồng thời giúp theo dõi tiến trình phát triển của nhân loại, đảm bảo rằng tất cả mọi người được tính đến trong quá trình hoạch định chính sách.
Trong 3 thập kỷ qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển năm 1994, thế giới đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu về dân số. Các số liệu dân số mới, được phân chia theo độ tuổi, dân tộc, giới tính và các yếu tố khác, phản ánh chính xác hơn sự đa dạng của xã hội.
Những tiến bộ này tăng cường đáng kể việc cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu, mang lại những bước nhảy vọt về sức khỏe tình dục và sinh sản, cũng như khả năng thực hiện các quyền và lựa chọn. Dù vậy, những dữ liệu về cộng đồng yếu thế, cộng đồng bị thiệt thòi nhất vẫn chưa được thể hiện đầy đủ, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của họ. Ở nhiều nơi, phụ nữ thuộc các nhóm thiểu số gần như vô hình trong số liệu thống kê, khiến họ không được đảm bảo những quyền lợi cơ bản.
“Không bỏ ai lại phía sau, hãy thống kê tất cả mọi người” cũng chính là thông điệp được đưa ra nhân Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay. Theo Liên hợp quốc (LHQ), Ngày Dân số Thế giới 2024 là thời điểm mà chúng ta nên tự hỏi, những ai, những nhóm dân số nào chưa được thống kê và tại sao, và điều này gây thiệt hại thế nào cho các cá nhân, xã hội và những nỗ lực toàn cầu nhằm không bỏ lại ai phía sau. Đây cũng là thời điểm để tất cả chúng ta cam kết hành động nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng hệ thống dữ liệu nắm bắt được đầy đủ sự đa dạng của con người, để mọi người đều được nhìn nhận, được đảm bảo quyền con người và có thể phát huy hết tiềm năng của mình.
Trong một thế giới lý tưởng, dân số 8 tỷ người đồng nghĩa với 8 tỷ cơ hội cho những xã hội lành mạnh hơn. Dân số lớn cũng mang tới nhiều cơ hội lớn, nổi bật nhất là cơ hội từ lực lượng lao động dồi dào. Gần 2 năm kể từ khi dân số thế giới chạm cột mốc 8 tỷ người, nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Bangladesh và cả Việt Nam, đã và đang tận dụng hiệu quả lợi thế về dân số để thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, cơ hội cũng đi cùng thách thức. Những thách thức được nêu ra từ khi mốc 7 tỷ người cách đây 13 năm, rồi đến mốc 8 tỷ và cho đến giờ như xung đột, bất bình đẳng hay phân biệt đối xử....vẫn tồn tại, chưa thể giải quyết rốt ráo, trong khi biến đổi khí hậu tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học và an ninh lương thực.
Theo UNICEF, trên thế giới hiện có 2 tỷ người đang phải sống trong điều kiện thiếu nước nghiêm trọng. Dự kiến đến năm 2050, nhu cầu về nước sẽ tăng 50%, gây áp lực lớn lên nguồn nước ngọt trên toàn cầu. Trong khi đó, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO) cho biết có khoảng 828 triệu người bị đói mạn tính. Dự kiến đến năm 2050, sản xuất lương thực cần tăng 60% để đáp ứng nhu cầu của dân số 9,7 tỷ người.
Ngoài ra, nhu cầu năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 50% vào năm 2050, gây áp lực về các nguồn năng lượng hóa thạch và thúc đẩy nhu cầu về năng lượng tái tạo. Biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề nan giải. Gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu năng lượng và tài nguyên cao hơn, góp phần vào phát thải khí nhà kính và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, bão tố, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực và sức khỏe con người.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nỗ lực giảm nghèo đói và bất bình đẳng không thực sự tiến triển. Bất bình đẳng thu nhập và cơ hội ngày càng gia tăng, tạo ra những thách thức cho sự phát triển bền vững.....
Để giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội từ bùng nổ dân số, cần đưa ra những quyết định đúng đắn dựa trên những dự báo đáng tin cậy về xu hướng dân số và về những thay đổi trong tương lai. Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, việc đầu tư vào thu thập dữ liệu là rất quan trọng để hiểu rõ các vấn đề, đưa ra giải pháp phù hợp và thúc đẩy tiến bộ.
Việt Nam đã xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm quản lý dân số và định hình chính sách phát triển. Thông qua đó, người dân có thể tận dụng thông tin và dữ liệu để cung cấp dịch vụ công tốt hơn, định hình chiến lược phát triển hiệu quả và tạo ra một xã hội thông minh, bền vững.
"Không để ai bị bỏ lại phía sau" là lời nhắc nhở mạnh mẽ về trách nhiệm chung của mỗi quốc gia, mỗi cá nhân trong việc xây dựng một xã hội phát triển bền vững, nơi mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm và an sinh xã hội. Dữ liệu nhân khẩu học chất lượng cao, kịp thời, đáng tin cậy và phù hợp chính là một trong những chìa khóa để đạt mục tiêu đó.