Thay đổi này bắt nguồn từ đường ăn, ngũ cốc, dầu thực vật và thịt giảm giá.
Theo báo cáo hôm 3/11, chỉ số giá lương thực thế giới của FAO, chuyên theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, đạt trung bình 120,6 điểm trong tháng 10, giảm so với mức 121,3 điểm của tháng 9.
Chỉ số của tháng 10 là mức thấp nhất tính từ tháng 3/2021. Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đạt trung bình 125 điểm, giảm 1,3 điểm so với tháng 9. FAO đánh giá: “Giá lúa mì quốc tế giảm 1,9% trong tháng 10, phản ánh nguồn cung tại Mỹ nhìn chung cao hơn dự đoán trước đó và sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà xuất khẩu”.
Tuy nhiên, mặt hàng sữa lại đi ngược xu hướng giảm giá, tăng 2,4 điểm lên 111,3 điểm, sau 9 tháng giảm liên tiếp. FAO phân tích: “Giá sữa bột thế giới tăng nhiều nhất, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh, đặc biệt là từ Đông Bắc Á”.
Trong một báo cáo riêng về cung và cầu ngũ cốc, FAO duy trì dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2023 ở mức 2,819 tỷ tấn, tăng 0,9% so với năm 2022.
Cơ quan này cũng cho biết việc gieo trồng các loại ngũ cốc thô năm 2024 đang được triển khai ở Nam bán cầu. Báo cáo đề cập: “Những dấu hiệu ban đầu cho thấy diện tích trồng ngô tại Brazil giảm khoảng 5% do tỷ lệ chi phí/giá đang có lợi cho đậu nành”.