Rác thải nhựa tại nhà máy xử lý rác thải ở Berlin, Đức. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN |
Báo cáo trên được Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) phối hợp với
Chính phủ Ấn Độ biên soạn và công bố với khẩu hiệu: "Nếu bạn không thể
tái sử dụng nó, hãy từ chối nó".
Trong báo cáo trên, người đứng đầu UNEP
Erik Solheim nhấn mạnh: "Việc xóa sạch rác thải nhựa
phải được thực hiện ở mọi nơi trên Trái đất".
Theo báo cáo, "chỉ 9% trong số 9 tỷ tấn đồ nhựa được sản xuất trên
thế giới từ trước tới nay là có thể tái chế được. Hầu hết số còn lại đều
kết thúc tại các hố chôn rác, đống rác lộ thiên hoặc bị vứt ra môi
trường".
Báo cáo nhấn mạnh: "Áp thuế hoặc ban bố lệnh cấm là các chiến
lược hiệu quả nhất nhằm hạn chế tình trạng sử dụng thái quá các sản phẩm
từ nhựa dùng một lần".
Trong số các khuyến cáo của mình, UNEP kêu gọi phân loại rác tốt
hơn và tái chế rác, có các hình thức hỗ trợ bằng kinh tế nhằm thúc đẩy
các biện pháp thân thiện với môi trường để thay thế đồ nhựa, đồng thời
nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và khuyến khích các sản phẩm tái
sử dụng được.
Theo nghiên cứu của LHQ, có tới 5.000 tỷ túi nhựa đã được sử dụng
trên thế giới mỗi năm. Nếu xếp chúng cạnh nhau có thể bao trùm một khu
vực rộng gấp đôi diện tích nước Pháp. Trung Quốc là nguồn thải túi nhựa
nhiều nhất thế giới, sau đó là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Tuy nhiên,
nếu tính theo đầu người, Mỹ thải nhiều rác nhựa nhất thế giới, sau đó là
Nhật Bản và EU.
Hiện nhiều nước đang hành động nhằm hạn chế ô nhiễm rác thải
nhựa, vốn ảnh hưởng đến cuộc sống của sinh vật tại các đại dương, gây ô
nhiễm đất đai và giải phóng ra các chất độc hại khi bị thiêu hủy.
Theo
người đứng đầu Chương trình Phong cách sống bền vững đối với môi trường,
Elisa Tonda, hơn 60 quốc gia đã áp lệnh cấm hoặc các
khoản thuế cao đối với sản phẩm nhựa dùng một lần. Kết quả là tại 30% số
quốc gia này, việc sử dụng túi nhựa đã giảm mạnh trong năm đầu tiên áp
dụng các hạn chế, trong khi 20% có ít tiến triển hoặc không có thay đổi
gì. Số còn lại không đánh giá được hiệu quả của các biện pháp trên.