Nỗi lo rác thải nhựa - Bài 2: Cơ sở pháp lý và kinh nghiệm quốc tế

Nhựa là mối nguy lớn cho đại dương bởi số lượng lớn, đặc tính khó phân hủy trong môi trường biển và khả năng di chuyển xa. Nhựa chiếm 50-80% lượng rác thải biển và được dự đoán là sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai gần.

Người dân Đà Nẵng tham gia dọn vệ sinh môi trường biển. Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN

Cơ sở pháp lý quốc tế

Thạc sĩ Dương Thị Phương Anh, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thế giới đã có các cơ chế để kiểm soát rác thải nhựa trên biển như hiệp ước, công ước, tuyên bố, bộ quy tắc… Các nguyên tắc luật quốc tế, thông lệ quốc tế là các nguồn bổ sung luật pháp quốc tế. Thông lệ quốc tế áp dụng với mọi quốc gia, ngoại trừ các quốc gia vẫn luôn phản đối.

Các hiệp ước môi trường đa phương là các thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc. Tuy vậy, hiệp ước môi trường đa phương chỉ ràng buộc các nước ký kết phê chuẩn hoặc tham gia. Công ước như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu thủy, công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do chất thải và những vật liệu khác, Nghị định thư London, Mục tiêu phát triển bền vững Liên hợp quốc.

Các tuyên bố quốc tế, các hướng dẫn và các nỗ lực khác không có tính bắt buộc nhưng thường có sức thuyết phục, gợi ý, làm cơ sở cho xây dựng luật pháp quốc gia và có thể phản ánh vấn đề luật pháp quốc tế đang nổi.

Nguyên tắc 21 của Tuyên bố Stockholm 1972 và Nguyên tắc 2 của Tuyên bố Rio 1992, Điều 194 Công ước Liên hơp quốc về luật biển phòng ngừa thiệt hại về môi trường. Nguyên tắc 16 của Tuyên bố Rio 1992 là nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc có Bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chương trình Hành động toàn cầu về Bảo vệ môi trường biển trước các hoạt động trên đất liền.

Kinh nghiệm quốc tế

Tình nguyện viên tham gia nhặt rác thải trong Ngày Trái đất năm 2018 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh Xuân Dự/TTXVN

Với mối lo về rác thải nhựa trên phạm vi toàn cầu, về quản lý nhà nước, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành luật, chính sách, chế tài đưa vào áp dụng.

Hàn Quốc ban hành Luật thúc đẩy tiết kiệm và tái chế tài nguyên 1994 cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần ở bếp ăn tập thể, Luật Quản lý môi trường biển 2009 đã yêu cầu xây dựng Kế hoạch Quản lý rác thải biển. Nhật Bản đã ban hành riêng một luật về rác thải biển “Luật Khuyến khích xử lý rác thải biển”. Ủy ban châu Âu thông qua Chỉ thị khung châu Âu về chiến lược biển để hướng dẫn các nước thành viên trong việc bảo vệ môi trường biển. Ủy ban châu Âu đã đưa ra quy định về đánh dấu dụng cụ đánh bắt bị động và thu hồi dụng cụ đánh bắt bị thất lạc.

Một số quốc gia có quy định kiểm soát hàng tiêu dùng ở mức độ bán lẻ, một số quốc gia đã đi một bước khó khăn hơn là kiểm soát loại hàng hóa nào được phép sản xuất. Bangladesh, Rwanda cấm túi nhựa. Botswana, Trung Quốc, Ethiopia, Kenya, Nam Phi, Uganda quy định độ dày của túi nhựa. Một số quốc gia đã cấm sản xuất vi nhựa như Canada, Hoa Kỳ. Các nước Nam Phi, Bỉ, Đan Mạch, Israel đánh thuế túi nhựa, thuế đổ rác ở bãi rác hoặc đốt rác, phí tái chế.

Xây dựng pháp luật là biện pháp quan trọng

Có nhiều biện pháp để quản lý rác thải nhựa biển nhưng xây dựng chính sách, pháp luật là một biện pháp quan trọng bậc nhất, là căn cứ để thực hiện các biện pháp khác.


Với những kinh nghiệm một số quốc gia đã áp dụng, Thạc sĩ Dương Thị Phương Anh kiến nghị cần xây dựng và áp luật các chính sách, pháp luật nhằm giảm thiểu chất thải nhựa nói chung và chất thải nhựa biển nói riêng. Bên cạnh đó cần đưa vào ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tốt nhất hiện có, áp dụng công cụ kinh tế để phòng ngừa, giảm thiểu chất thải nhựa.

Các công cụ có thể thay đổi chi phí hay giá cả thị trường để tạo động lực kinh tế, áp dụng công cụ kinh tế để phòng ngừa, giảm thiểu chất thải nhựa. Có thể tập trung vào sản phẩm như túi nhựa, dịch vụ như thu gom rác thải, hoạt động đổ rác, đầu vào về nguyên vật liệu dựa trên nguyên tắc “Đặt giá đúng-Người sử dụng chi trả-Người gây ô nhiễm chi trả”. Ví dụ đánh thuế túi nhựa, phạt tiền khi xả rác hay đổ rác trái phép, tính phí các hoạt động xử lý rác.

Rác thải nhựa trên biển với số lượng lớn nên biện pháp tập trung hạn chế tác hại của ngư cụ thất lạc/bỏ đi, bắt buộc gắn đèn trên lưới kéo, sử dụng pin mặt trời, đánh dấu lưới (hóa học, màu, đính nhãn, thiết bị phát tín hiệu), sử dụng kỹ thuật làm lưới chìm hoặc trôi nổi ở một độ sâu ít ảnh hưởng đến sinh vật nhất, lưới làm từ vật liệu phân hủy sinh học, sử dụng cáp thép để cố định phao, sử dụng công nghệ, kỹ thuật tốt nhất hiện có để thu gom và loại bỏ rác ở sông và cảng như rào chắn nổi và máy gắp rác, xây dựng chính sách pháp luật về chất thải nhựa biển.

Tuyên truyền, giáo dục được coi là một bước quan trọng nhằm thay đổi hành vi và từng bước xây dựng thái độ có trách nhiệm hơn về bảo vệ môi trường. Các hoạt động cụ thể như xuất bản sách, truyện cho trẻ em, ngư dân; khuyến khích các cách làm tốt; hỗ trợ và huấn luyện tình nguyện viên quản lý giám sát môi trường, bao gồm rác thải nhựa.

Báo cáo của Ủy ban Bảo vệ đại dương năm 2015 đã chỉ ra rằng: Chất thải nhựa đi vào môi trường biển quá nửa đến từ chỉ năm nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng là Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Có 94% lượng nhựa đi vào môi trường biển tập kết ở đáy đại dương với ước lượng 25,3-65 triệu tấn rác. Khoảng 1% chất thải nhựa trên biển được tìm thấy nổi trên bề mặt hoặc gần bề mặt biển, với khối lượng 268.000 tấn với các kích thước khác nhau.


Bài cuối: Khuyến khích các giải pháp công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải nhựa

Minh Nguyệt (TTXVN)
Nỗi lo rác thải nhựa - Bài 1: Chất thải nhựa - Thách thức lớn
Nỗi lo rác thải nhựa - Bài 1: Chất thải nhựa - Thách thức lớn

Nhựa đã trở thành một trong những vật liệu phổ biến nhất thế giới, nhờ tính hữu dụng cũng như chi phí sản xuất thấp. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế-xã hội và sức khỏe con người, trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN