Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, các đám cháy xuất hiện từ ngày 25/1 tại miền Nam nước này và đã tàn phá hơn 3.000 ha rừng nguyên sinh. Nguyên nhân của các đám cháy đang được điều tra. Lửa đã tấn công một khu vực rộng lớn thuộc Rừng quốc gia Los Alerces, tại tỉnh miền Nam Chubut, được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2017.
Chính quyền các tỉnh miền Nam Argentina đã phải triển khai nhiều máy bay rải hóa chất, trực thăng thả bom nước và cả thiết bị drone, nhằm giúp dập tắt ngọn lửa, cùng với hơn 400 nhân viên thuộc lực lượng cứu hỏa và cứu hộ. Tuy nhiên, công tác khống chế "giặc lửa" gặp nhiều khó khăn do gió lớn, khô hạn và trời không mưa.
Được đưa vào dạng cần bảo tồn từ năm 1937, Rừng quốc gia Los Alerces, cách thủ đô Buenos Aires 2.000 km về phía Nam, có diện tích 260.000ha chạy dọc theo sườn núi Andes, nổi tiếng thế giới với những cánh rừng thông cổ thụ có tuổi thọ từ 3.000 đến 4.000 năm, cao tới 70m. Trong rừng cũng có rất nhiều hồ lớn nhỏ.
Cùng ngày Cơ quan Khí tượng quốc gia Argentina (SMN) cho biết hiện tượng nắng nóng gay gắt suốt 2 tuần qua sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung Argentina. Tại nhiều nơi, nhiệt độ ở mức từ 40 đến hơn 42 độ C. Argentina đã ra cảnh báo đỏ vì nắng nóng từ hôm 27/1.
Nhiều ngày nay, một đợt nắng nóng gay gắt đã xuất hiện tại nhiều nơi tại quốc gia Nam Mỹ, làm ảnh hưởng đáng kể tới sinh hoạt của người dân. Cơ quan chức năng cảnh báo nắng nóng có thể làm ảnh hưởng tới những người trong nhóm có nguy cơ cao như người già, người khuyết tật, người mắc bệnh mãn tính và trẻ em.
Mùa hè ở Nam Bán cầu bắt đầu từ tháng 12 tới tháng 3. Tác động của hiện tượng La Nina là nguyên nhân gây sóng nhiệt Argentina. Kể từ năm 2019, phần lớn Argentina và các nước láng giềng đã phải đối mặt các đợt nắng nóng và hạn hán kỷ lục với lượng mưa ghi nhận năm 2023 chưa bằng một nửa lượng mưa trung bình, thấp nhất trong vòng một thế kỷ. Theo dự báo của các chuyên gia, tình trạng hạn hán có thể được cải thiện tại Argentina trong năm nay.