Đám cháy khởi phát ngày 14/7 tại địa điểm cách Paradise khoảng 16 km về phía Đông Bắc và nhanh chóng lan rộng trở thành đám cháy lớn nhất xảy ra tại Mỹ trong năm nay. Theo Cơ quan Lâm nghiệp và Phòng hộ rừng California (CAL FIRE), đám cháy đã bao phủ toàn bộ các hạt Butte và Plumas.
Tính đến sáng 1/8, lực lượng cứu hỏa đã khống chế được khoảng 32% đám cháy. Tổng cộng 67 công trình bị lửa thiêu rụi trong khi 9 công trình bị hư hỏng do hỏa hoạn và 10.435 công trình khác bị đe dọa. Hiện các lực lượng cứu hỏa vẫn đang triển khai và đạt tiến triển trong nỗ lực khống chế đám cháy, giúp dỡ bỏ các lệnh sơ tán và cảnh báo tại một số khu vực.
Trong khi đó, các đám cháy từng tại vùng duyên hải miền Nam Thổ Nhĩ kỳ cũng đã kéo dài đến ngày thứ 5 mà chưa được khống chế, khiến 8 người thiệt mạng. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết tính đến ngày 1/8, hỏa hoạn tại thị trấn Manavgat ở miền Nam đã khiến 8 nạn nhân thiệt mạng, 10 người khác bị thương đang được điều trị tại bệnh viện.
Theo Bộ trưởng Lâm nghiệp Bekir Pakdemirli, chỉ trong 5 ngày qua, hơn 100 đám cháy đã bùng phát tại nước này và hầu hết đã được khống chế. Tuy nhiên, các đám cháy tại các thị trấn duyên hải Manavgat và Marmaris và thị trấn Milas trong đất liền vẫn chưa được kiểm soát.
Tại thị trấn nghỉ dưỡng Bodrum, một nhóm du khách và nhân viên khách sạn đã được đưa đi sơ tán bằng thuyền trong bối cảnh các đám cháy tiếp tục lan rộng và các cột khói bốc cao lên bầu trời thị trấn. Đến sáng 1/8, đám cháy trong khu vực đã được kiểm soát. Theo số liệu từ Bộ Lâm nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, đến ngày 1/8, còn khoảng 6 đám cháy vẫn chưa được khống chế.
Các đám cháy bùng phát từ giữa tuần trước đã khiến hàng nghìn người phải đi sơ tán. Người dân địa phương và các đội hỗ trơ từ Nga, Ukraine, Iran và Azerbaijan đã cùng lực lượng cứu hỏa Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các nỗ lực dập lửa. Cùng với đó, ít nhất 13 máy bay, 45 trực thăng, máy bay không người lái và hơn 800 phương tiện cứu hỏa đã được huy động đến hiện trường . Liên minh châu Âu (EU) đã điều 3 máy bay cứu hỏa, 1 từ Croatia và 2 từ Tây Ban Nha, đến hỗ trợ trong sáng 1/8 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt cơ chế ứng phó thảm họa, đề nghị các nước châu Âu hỗ trợ.
Tại quốc gia láng giềng Hy Lạp, nắng nóng kéo dài trong vài ngày qua cũng làm bùng lên một đám cháy rừng ở miền Tây khiến ít nhất 15 người phải nhập viện vì khó thở, nhiều người dân phải đi sơ tán, một số nhà cửa và nông trại bị phá hủy. Nhiệt độ được dự báo có thể lên tới 44 độ C trong các ngày 2-3/8. Dù chưa có đánh giá cụ thể về ảnh hưởng của đám cháy nhưng giới chức địa phương cho biết khoảng 10 ngôi nhà ở vùng Ziria, nhiều công trình tại các nông trại vốn là nơi mưu sinh của nhiều người dân địa phương đã bị thiêu rụi.
Các đám cháy bùng phát từ sáng 31/7 gần Patras, vùng Peloponnese, cách Athens 210km về phía Tây khiến giới chức phải sơ tán người dân ở 5 làng và 1 thị trấn ven biển. Khu nghỉ dưỡng Loggos cũng phải sơ tán, cùng với gần 100 cư dân và du khách được đưa tới thành phố Aigio lân cận. Khoảng 300 nhân viên cứu hỏa, 2 máy bay chở nước và 5 trực thăng đã được điều động tham gia dập đám chá, cứu được nhiều tài sản, giúp khơi thông một số tuyến đường và một cây cầu lớn trong khu vực.
Theo Cơ quan bảo vệ dân sự Hy Lạp, trong vòng 24 giờ tính đến ngày 1/8, có đến 60 đám cháy rừng bùng phát tại nước này và hầu hết đã được khống chế. Các vụ cháy rừng vẫn thường xảy ra tại Hy Lạp vào mỗi mùa hè nhưng các chuyên gia cảnh báo tình trạng ấm lên toàn cầu khiến tần suất và cường độ của các vụ hỏa hoạn gia tăng.