Đối mặt với khủng hoảng người nhập cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, châu Âu có rất nhiều lựa chọn để giải quyết vấn đề này tuy nhiên các nước thuộc lục địa già lại không thể đưa ra tiếng nói nhất quán.
Một người di cư trườn qua hàng rào kim loại gần làng Roszke tại biên giới Hungari-Serbia ngày 26/8. Ảnh: AFP |
Tình hình ngày càng trở nên “nóng” hơn vào mùa hè với dòng người nhập cư ồ ạt vượt qua bán đảo Balkan, liều mạng trên biển Địa Trung Hải hoặc bất chấp tất cả để vào được eo biển Anh và đặt chân lên những đất nước họ muốn tị nạn.
Nỗ lực để phân bổ người nhập cư tại châu Âu đã gặp trục trặc bắt nguồn từ sự thiếu đoàn kết của chính phủ các nước.
Trong khi đó, phương án để ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép từ Trung Đông và Bắc Phi đã bị trì hoãn do bất ổn trong khu vực này khiến EU khó thương thảo được cùng chính phủ các nước đang có biến động chính trị.
Một số nước châu Âu nay đã tìm đến những phương pháp "thủ công" điển hình như Hungary dựng nên hàng rào ở biên giới với Serbia.
Một cậu bé di cư và em trai nhỏ chờ đợi tại Gevgelija, thị trấn biên giới giữa Macedonia và Hy Lạp. Ảnh: AFP |
Nhiều quan chức và chuyên gia đánh giá rằng các nước châu Âu cần nhanh chóng xử lý trước khi tình huống trở nên rối rắm hơn với việc nội chiến và chính biến tại các nước có nhiều người dân di cư chưa có dấu hiệu được giải quyết.
Các lãnh đạo châu Âu bị thúc giục để hành động trong tháng 4 vừa qua sau thảm kịch khiến hơn 700 người di cư thiệt mạng ngoài khởi Địa Trung Hải.
Sau đó họ lại tranh cãi về kế hoạch hạn ngạch tiếp nhận người di cư để giảm áp lực lên Hy Lạp và Italy. Nối tiếp đó là một mùa hè không yên ả khi người nhập cư bị xịt hơi cay tại Macedonia và Hungary một lần nữa lại gây nên sự cấp thiết để giải quyết vấn đề này hiệu quả hơn.
Trước tình hình này, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tham dự cuộc hội đàm khẩn cấp vào ngày 24/8 nhằm kêu gọi “một hệ thống hợp nhất”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc họp báo về khủng hoảng người di cư hôm 24/8 tại Berlin. Ảnh: AFP |
Đức đã có những bước đi đầu tiên khi công bố sẽ nhận 800.000 người nhập cư trong năm 2015, nhiều hơn tất cả những nước châu Âu còn lại. Ngoài ra Đức thậm chí chấp nhận mọi yêu cầu tị nạn của người di cư Syria và bỏ qua quy định của châu Âu buộc người nhập cư Syria chỉ được tìm kiếm tị nạn ở đất nước châu Âu đầu tiên họ đặt chân tới.
Uỷ ban châu Âu (EC) đã ca ngợi bước đi của Đức thể hiện cho tinh thần đoàn kết châu Âu đồng thời hy vọng những ý kiến của bà Merkel và ông Hollande sẽ “vang vọng tới các quốc gia khác”.
Tuy nhiên vấn đề lại nằm ở các quốc gia từ Anh cho tới Thụy Điển nơi chính phủ đối mặt với thách thức từ các đảng cánh hữu phản đối việc nhập cư.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker trong một bài trả lời phỏng vấn AFP đã khẳng định rằng chính phủ các nước EU có nghĩa vụ chia sẻ gánh nặng về người di cư.
Người di cư hốt hoảng trốn chạy khỏi cảnh sát Macedonia tại thị trấn biên giới Gevgelija của nước này và Hy Lạp. Ảnh: AFP |
Gần đây, đã có tín hiệu khả quan mới khi các giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề nhức nhối liên quan tới người di cư liên tục được đưa ra. Francois Crepeau, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về vấn đề nhân quyền và người tị nạn cho biết các nước châu Âu có thể là mở thị trường lao động cho những người tị nạn đồng thời ra mắt loại “visa thông minh”.
Ông Crepeau nhấn mạnh: “Dựng hàng rào, giam cầm, dùng hơi cay, sử dụng những từ ngữ đe dọa hoặc thù địch hay các dạng bạo lực khác chống lại người tị nạn và người di cư mà không cung cấp nơi trú, thực phẩm hay nước uống sẽ không thể ngăn cản người nhập cư tới hoặc cố gắng tới châu Âu”.
Một giải pháp dài hạn khác cũng được đề xuất là các nước châu Âu phải hợp tác cùng các nước khác để tạo hệ thống có thể hỗ trợ người dân di cư đăng ký tị nạn từ ngay các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan.
Ngoài ra sắp tới một hội nghị về người di cư giữa EU và các nước liên minh châu Phi (AU) cũng sẽ được tổ chức tại Malta tập trung vào giải quyết vấn đề về những kẻ buôn người.