Nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Geneva lịch sử chấm dứt chiến tranh tại Đông Dương, Giáo sư Ngôn ngữ học, nhà Việt Nam học Anatoly Sokolov, thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lân Khoa học Nga (RAN), đã viết riêng cho TTXVN, cung cấp cái nhìn của học giả Nga về ý nghĩa to lớn của sự kiện này. Bài viết nhan đề "Chặng đường dài tới hội nghị Geneva". Quan hệ Nga-Việt giai đoạn 1945-1954 còn nhiều điều cần nghiên cứu để hiểu rõ Việt Nam đã hội nhập với thế giới và trở thành một trong những nhân tố quan trọng trên vũ đài chính trị thế giới sau Thế chiến thứ II như thế nào.
Phóng viên TTXVN phỏng vấn Giáo sư Ngôn ngữ học, nhà Việt Nam học Anatoly Sokolov.
|
Hãy nhớ lại một số thực tế lịch sử. Kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Thế giới thứ II trên thực tế mối quan hệ giữa Liên Xô và Đông Dương, chính xác hơn là quan hệ giữa quốc tế cộng sản và các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, đã gián đoạn. Sau khi Đại học phương Đông của Quốc tế cộng sản đóng cửa năm 1938, những chiến sĩ yêu nước Việt Nam không còn tới Moskva. Qua lịch sử chúng ta biết rằng những chiến sĩ yêu nước Việt Nam ở lại Liên Xô đã tham gia vào cuộc chiến bảo vệ Moskva và hi sinh một cách anh dũng.
Một yếu tố địa chính trị cần lưu ý đó là trong các văn kiện trong hội nghị quốc tế các nước tham gia liên minh chống Hitler diễn ra ở Yalta và Potsdam, quan điểm của nhà lãnh đạo I. V. Stalin và tương ứng với nó là Liên Xô, đối với các nước thuộc địa và vấn đề thuộc địa khá dè dặt. Điều này có thể giải thích phần nào bởi thực tế mối quan tâm chính của Stalin như nhà lãnh đạo quốc gia giành chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ II là đảm bảo khôi phục quốc gia bị tàn phá và phục hồi kinh tế, và đương nhiên là đảm bảo an ninh cho các đường biên giới của mình, vì thế đối với ông trong vai trò nguyên thủ quốc gia, lợi ích chính trị quan trọng đương nhiên là các nước có chung đường biên giới với Liên Xô.
Ngoài ra còn một yếu tố khác là trong những năm Chiến tranh Thế giới thứ II, Pháp là đồng minh của Liên Xô. Mối quan hệ tin cậy và gắn bó giữa những người cộng sản Xô viết với Đảng Cộng sản Pháp cũng đóng một vai trò quan trọng.
Phát biểu của nhà hoạt động chính phủ và đảng nổi tiếng Xô viết, ông A. A. Zhdanov tại Hội nghị các nước cộng sản ở châu Âu, diễn ra tại Ba Lan năm 1947, có thể xem như tín hiệu đầu tiên về sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Liên Xô với Việt Nam. Trong phát biểu của mình, ông Zhdanov bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ và vô điều kiện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Đông Dương.
Cột mốc tiếp theo trong việc hình thành quan điểm của Liên Xô về Việt Nam là chiến thắng của lực lượng cộng sản Trung Quốc và việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949. Sự gia nhập của quốc gia đông dân nhất thế giới vào cộng đồng xã hội chủ nghĩa làm thay đổi mạnh mẽ tình hình châu Á. Những sự kiện sau đó cho thấy rõ mối quan tâm ngày càng lớn của ban lãnh đạo Liên Xô đối với tình hình Việt Nam. Trong mối quan hệ này, đóng vai trò quan trọng là những tiếp xúc cá nhân giữa 2 nhà lãnh đạo I. V. Stalin và Hồ Chí Minh.
Cuộc gặp đầu tiên diễn ra vào cuối đông, đầu xuân 1950 tại Moskva. Khi đó 2 phía thiếu nghiêm trọng thông tin về tình hình Việt Nam (Stalin) và Liên Xô (Hồ Chí Minh). Bởi vậy có vẻ như Stalin quan tâm tới tình hình tại Đông Dương - các hoạt động quân sự, tương quan giữa các lực lượng chính trị và các vấn đề khác, còn Hồ Chí Minh là vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội và tái thiết kinh tế quốc dân Liên Xô sau chiến tranh (nhà lãnh đạo Việt Nam đã hướng tới tương lai, nghĩ về cách sống và phát triển của Việt Nam sau chiến tranh), cũng như tình hình thế giới. Đương nhiên cuộc gặp đã thảo luận việc Liên Xô trợ giúp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DRV) trước tiên là về quân sự để tiến hành cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Phân tích các tài liệu lưu trữ cho thấy 2 nhà lãnh đạo có thể đã thảo luận vấn đề "thống nhất các lực lượng cách mạng ở phương Đông và quan hệ giữa các đảng cộng sản ở phương Đông".
Việc Liên Xô công nhận DRV ngày 30/1/1950, và sau đó là cuộc gặp riêng giữa Stalin và Hồ Chí Minh rõ ràng là động lực quan trọng cho sự phát triển quan hệ Xô-Việt và sự phát triển từng bước quan điểm của Liên Xô đối với quốc gia dân chủ nhân dân non trẻ: ủng hộ và hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Chuyến thăm tiếp theo của Hồ Chí Minh tới Liên Xô diễn ra cuối thu 1952, để tham dự Hội nghị Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 19. Ngay sau chuyến thăm Moskva này, Liên Xô đã tăng cường hậu thuẫn và hỗ trợ Việt Nam. Theo sắc lệnh ngày 10/12/1952 của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Bộ Quốc phòng Xô viết cam kết cung cấp cho chính phủ DRV trong năm 1953: 144 pháo 37mm cùng 144.000 viên đạn; 72 pháo 76mm cùng 50.400 viên đạn; 200 khẩu đại liên DSK 12,7mm cùng 2 triệu băng đạn; và 5 tấn thuốc men.
Cuộc đấu tranh anh hùng của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ chân thành của nhân và và nhà nước Xô viết. Điều này được thể hiện qua sự trợ giúp cụ thể về vật chất và kỹ thuật quân sự, cũng như tình đoàn kết sâu sắc của người dân Liên Xô, vốn xem cuộc đấu tranh của dân tộc anh em như chính cuộc đấu tranh của mình. Nhiều bài báo ở Liên Xô, các cuộc mít tinh bày tỏ tình đoàn kết cùng nhiều hoạt động khác rõ ràng đã góp phần quan trọng củng cố tình đoàn kết giữa 2 dân tộc. Quan trọng hơn là quan điểm nhất quán của Liên Xô trong việc ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, thể hiện trên những diễn đàn quốc tế quan trọng.
Cuộc phản công mạnh mẽ của lực lượng vũ trang DRV trong chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954 đương nhiên dẫn tới kết cục tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với 15.000 quân viễn chinh đầu hành và chính phủ Pháp chấp nhận tổ chức hội nghị quốc tế Geneva về Đông Dương hè 1954. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý, tình hình quốc tế khi đó không có lợi cho thực dân Pháp. Các lực lượng vì hòa bình và dân chủ trên toàn thế giới ngày càng lớn mạnh. Một yếu tố quan trọng của thành công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là tình đoàn kết quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Theo sáng kiến của Liên Xô, tại cuộc gặp các ngoại trưởng 4 cường quốc, diễn ra ở Berlin từ 24/1 đến 18/2/1954, vấn đề nêu ra và được giải quyết tích cực là việc triệu tập ngày 26/4/1954 hội nghị quốc tế xem xét những vấn đề sống còn liên quan tới giải quyết hòa bình tình hình tại Đông Dương và Triều Tiên. Quyết định của hội nghị Berlin rất quan trọng vì chưa bao giờ các đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ II, sau một thời gian dài, quyết định quay trở lại thông lệ giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình và ngoại giao. Sự ủng hộ kiên quyết và nhất quán của Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam, chiến thắng trước thực dân Pháp tại Đông Dương, đã buộc chính quyền Pháp, Anh, Mỹ phải tiến hành hội nghị Geneva.
Ngay trước thềm hội nghị Geneva, Ngoại trưởng Mỹ Allen Dulles đã tìm cách tổ chức một cuộc phiêu lưu quân sự lớn tại Đông Dương: tháng 3/1954, ông đưa ra ý tưởng thành lập khối Đông Nam Á, có thể đóng vai trò như một cơ sở luật pháp để can thiệp quân sự vào cuộc chiến. Ông Dulles tìm cách ràng buộc Anh và Pháp vào tuyên bố với mục đích phá hoại hội nghị Geneva và các cường quốc đô hộ sẽ bắt đầu "cùng hành động" chống lại nhân dân Việt Nam, các dân tộc khác ở Đông Nam Á và Viễn Đông. Khi đó Liên Xô đã mạnh mẽ cảnh báo Mỹ không được can thiệp vào công việc của nhân dân Việt Nam đồng thời bày tỏ ủng hộ đối với người dân Đông Dương trong việc bảo vệ độc lập, tự do của mình.
Trước hội nghị, đoàn đại biểu DRV, có lẽ do thiếu kinh nghiệm ngoại giao phù hợp, đã trông đợi vào sự hỗ trợ bảo vệ các lợi ích của mình của Liên Xô và Trung Quốc. Theo sáng kiến của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đầu tháng 4/1954 tại Moskva đã diễn ra cuộc gặp giữa V. M. Molotov (khi đó là Ngoại trưởng Liên Xô) với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Chu Ân Lai bàn về các cuộc đàm phán sắp tới ở Geneva. Cuộc họp đã thông qua một số thỏa thuận về tương lai của Việt Nam.
Tại Geneva, phái đoàn Liên Xô đã đưa ra sáng kiến xem xét không chỉ về chính trị mà cả các điều kiện quân sự để khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Điều này, theo trưởng phái đoàn Molotov, là cần thiết để việc ngừng các hành động quân sự không diễn ra trong thời gian ngắn, sau đó lại tái diễn với qui mô lớn hơn. Kết quả là phái đoàn Liên Xô đã đạt được việc thảo luận rộng rãi các vấn đề liên quan tới đảm bảo an ninh đồng thời khẳng định vai trò trung lập của Việt Nam, Campuchia và Lào.
Hội nghị Geneva về Đông Dương và các văn kiện được thông qua tại đó có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển trong tương lai của nước Việt Nam độc lập. Đây là diễn đàn quốc tế đầu tiên mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự. Cuộc đấu tranh chính trị của Việt Nam tại hội nghị, nhằm đạt được một giải pháp công bằng ở Đông Dương, phục vụ cho các lợi ích của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia diễn ra dưới sự ủng hộ và hợp tác toàn diện của Liên Xô, vốn muốn thiết lập hòa bình trong khu vực và bảo vệ các lợi ích cốt lõi của DRV.
Liên Xô đã thực hiện những bước đi theo hướng nâng cao uy tín quốc tế của DRV. Bài "DRV trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự do và độc lập dân tộc", đăng ngày 10/5/1954 trên báo "Sự thật", nhấn mạnh cuộc đấu tranh của Việt Nam là ví dụ rõ nét về chủ nghĩa anh hùng dân tộc tạo cảm hứng cho tư tưởng đấu tranh vì tự do dân tộc. DRV là quốc gia dân chủ tràn đầy sinh lực. Mọi âm mưu nhằm tái lập thế lực đế quốc, buộc người dân Việt Nam trở thành nô lệ thuộc địa sẽ thất bại, vì không thể xoay ngược bánh xe lịch sử".
Cuộc đấu tranh chung của các phái đoàn Liên Xô và Việt Nam tại hội nghị Geneva chống lại nỗ lực của các cường quốc phương Tây tìm cách biện minh cho việc theo đuổi chính sách đế quốc quốc tế là khởi đầu cho sự hợp tác chặt chẽ Xô-Việt trên diễn đàn quốc tế, đã phát triển thành công trong những năm sau đó.
Khi hội nghị bắt đầu tại Geneva thì cũng là lúc có thông tin về chiến thắng vinh quang của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ. Kế hoạch của Tướng Henri Navarre bị thất bại. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo đà cho việc kết thúc hội nghị có lợi cho phía Việt Nam.
Những nỗ lực của Liên Xô đã làm thất bại âm mưu của các nước phương Tây tiến hành đàm phán tại Geneva trên quan điểm sức mạnh. Lợi dụng những bất đồng giữa các cường quốc thực dân, ngành ngoại giao Xô viết, hợp tác chặt chẽ với DRV và các nước có nền dân chủ nhân dân khác, đã làm thất bại âm mưu chống lại một giải pháp cho Việt Nam tại hội nghị Geneva.
Ngày 10/5, trưởng phái đoàn DRV, Phạm Văn Đồng, đã đề xuất kế hoạch thiết lập hòa bình tại Đông Dương, và được Liên Xô ủng hộ. Cùng với các đề xuất của Pháp, kế hoạch này là nền tảng cho các cuộc thảo luận sau đó tại hội nghị.
Trong phát biểu của mình tại hội nghị Geneva ngày 14/5, trưởng phái đoàn Liên Xô, Ngoại trưởng Molotov khẳng định quan điểm của Liên Xô trong vấn đề Việt Nam, nhấn mạnh rằng tại Đông Dương - và trước tiên là ở Việt Nam - đang diễn ra chiến tranh; với Pháp - đây là cuộc chiến thực dân, còn với người dân Đông Dương, họ chiến đấu vì độc lập, tự do của mình, đây là cuộc chiến giải phóng dân tộc. Ông Molotov đặc biệt lưu ý rằng: "Ví dụ của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Đông Dương có ý nghĩa lịch sử. Nó cho thấy ở đâu đại bộ phận dân chúng nằm dưới ách thực dân, đứng lên bảo vệ các quyền dân tộc và tự do của mình, ở đó không thể trong thời đại của chúng ta đưa dân tộc đó quay trở về cuộc sống trước đây, không thể đàn áp phong trào dân tộc bằng vũ khí và mọi hình thức bạo lực" (báo Sự thật ngày 15/5/1954).
Liên Xô xuất phát từ thực tế nhiệm vụ của hội nghị cần phải là đấu tranh nhanh chóng chấm dứt các hoạt động quân sự ở Đông Dương và đạt được thỏa thuận để có thể đem lại cơ hội đáp ứng các đòi hỏi hợp pháp của nhân dân Đông Dương, tôn trong quyền dân chủ và độc lập dân tộc của họ. Phái đoàn Liên Xô tuyên bố họ coi trọng các đề xuất của đại diện DRV, và bày tỏ tình đoàn kết với quan điểm xây dựng của phía Việt Nam.
Hiệp định Geneva, ký ngày 20/7/1954, được xem như sự công nhận quốc tế về luật pháp với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một chương mới trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì tự do và thống nhất đất nước. Hội nghị Geneva đã đưa ra con đường cụ thể cho sự phát triển hòa bình và dân chủ của Việt Nam, theo ý chí và khát vọng của nhân dân Việt Nam. Nó quy định việc tiến hành vào mùa hè năm 1956 cuộc tổng tuyển cử tự do và dân chủ để thực thi đầy đủ quyền linh thiêng của nhân dân Việt Nam về chủ quyền, tự do, độc lập và thống nhất đất nước.
Tại phiên bế mạc hội nghị ngày 21/7, người đứng đầu phái đoàn Liên Xô Molotov tuyên bố Hiệp định Khôi phục Hòa bình tại Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã được quốc tế công nhận. Đây là thắng lợi to lớn đối với các lực lượng trên thế giới, một bước đi mới trên con đường gắn kết các dân tộc trong quan hệ quốc tế.
Ngày 22/7/1954, nhân sự kiện ký Hiệp định Geneva chấm dứt các hoạt động quân sự tại Việt Nam, Lào và Campuchia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc thông điệp gửi tới người dân Việt Nam nhấn mạnh tới tầm quan trọng trong các nỗ lực ngoại giao của Liên Xô để tổ chức và tiến hành thành công hội nghị Geneva. Nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Liên Xô trong sáng kiến tổ chức hội nghị Geneva, nhà lãnh đạo Việt Nam nói rằng Liên Xô luôn dành sự ủng hộ tinh thần to lớn cho phong trào giải phóng dân tộc tại các nước thuộc địa và phụ thuộc, đã dành sự ủng hộ to lớn cho Việt Nam. Hoạt động ngoại giao của Liên Xô đóng vai trò quyết định trong việc ngừng bắn ở Việt Nam.
Duy Trinh (dịch)