Có quá nhiều dự định mà ông và người cộng sự trẻ tuổi Ruhan Janse van Vuuren muốn được chia sẻ trực tiếp với “Madiba” - cách người dân Nam Phi gọi thân mật cố Tổng thống Mandela - mà giờ đây đã không còn cơ hội nữa. Đó có lẽ là điều luyến tiếc nhất đối với cả hai nhà điêu khắc.
Nhắc lại chuyện cũ với niềm xúc động dâng trào, nghệ sĩ Prinsloo không thể nào quên lãnh tụ giải phóng dân tộc Nam Phi Nelson Mandela ra đi vào tối 5/12/2013, trong khi theo kế hoạch, một bức tượng đồng của ông cao 9 mét do 2 nghệ sĩ Prinsloo và Vuuren đồng tác giả dự định sẽ chính thức ra mắt công chúng 11 ngày sau đó, đúng vào ngày Hòa giải dân tộc 16/12 ở Nam Phi.
Nghệ sĩ Prinsloo kể lại: “Một bầu không khí im lặng bao trùm cả xưởng điêu khắc của chúng tôi. Cả tôi và Ruhan đều không nói nên lời. Chúng tôi đã chờ mong ngày ra mắt bức tượng và hy vọng được thấy Madiba đến chiêm ngưỡng bức tượng biết bao”. Giọng trở nên nghẹn ngào, ông nói: “Chúng tôi đều rất buồn, có lẽ vì chúng tôi đều quá yêu mến Madiba”.
11 ngày sau đó, vào đúng ngày Hòa giải dân tộc, bức tượng đồng Nelson Mandela cao 9 mét chính thức ra mắt công chúng tại khuôn viên trước cổng Tòa nhà Liên minh (Union Buildings) - trụ sở chính phủ và văn phòng tổng thống Nam Phi, nằm trên đồi Meintjieskop ở thành phố Pretoria. Nơi đây cũng chính là nơi diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống Nelson Mandela năm 1994. Cho đến nay, bức tượng đồng tại đây vẫn là bức tượng cao nhất của Nelson Mandela được dựng lên để tưởng nhớ người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nổi danh toàn thế giới.
Chia sẻ với chúng tôi, điêu khắc gia Prinsloo không giấu được niềm tự hào: “Được dựng tượng cho Nelson Mandela thực sự là một trong những sự kiện lớn nhất trong cuộc đời tôi. Được trở thành một phần tạo nên bức tượng như vậy, tôi tin đây cũng là sự kiện lớn nhất trong cuộc đời bất cứ nghệ sĩ nào”.
Mọi thứ bắt đầu với nghệ sĩ Prinsloo khoảng 1 năm trước đó, khi Dali Tambo, con trai của cựu chiến binh Oliver Tambo, một người bạn thân và là chiến hữu kề vai sát cánh với lãnh tụ Mandela, tiếp cận ông và trình bày về dự án. Vào thời điểm đó, ông Prinsloo đang làm việc cùng một nhóm các nhà điêu khắc cho dự án A Long March To Freedom (Hành trình dài tới tự do) của Dự án di sản quốc gia Koketso Growth.
Ông nhớ lại: “Đột nhiên Dali Tambo, CEO của Koketso Growth kéo tôi ra một góc và hỏi liệu có khả thi để tạc một bức tượng cao 9 mét của cựu Tổng thống Nelson Mandela và kịp khánh thánh vào ngày Hòa giải dân tộc 1 năm sau không”. “Vào lúc đó, tôi đã nghĩ là ông ấy đùa,” Prinsloo cười kể lại. Với con mắt của nghệ sỹ, Prinsloo hiểu việc tạc tượng là có thể, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian với khối lượng công việc như vậy, hoặc sẽ phải bắt tay vào làm ngay lập tức.
Mọi chuyện bẵng đi cho đến tận tháng 4/2013, khi ông Dali Tambo lại tiếp cận nghệ sĩ Prinsloo và cho biết mọi giấy tờ thủ tục đã xong, mọi chuyện chỉ chờ các nghệ sĩ chính thức bắt tay vào công việc. Nhận ra đây là một câu chuyện nghiêm túc, Prinsloo tìm gặp đối tác trẻ tuổi, Ruhan Janse van Vuuren, người đã cộng tác cùng ông trong rất nhiều dự án điêu khắc và “rủ”: “Hãy làm thôi!”
Nghệ sĩ Prinsloo xúc động hồi tưởng: “Mọi chuyện giống như một giấc mơ trở thành sự thật. Chúng tôi vừa hào hứng xen lẫn sợ hãi vì đột nhiên chúng tôi nhận ra rằng từ thời điểm đó, chúng tôi chỉ còn 8 tháng để hoàn thành bức tượng. Và chắc chắn không có chỗ cho sai sót nên chúng tôi đã rất lo lắng, chúng tôi đã gác lại gần như mọi thứ, cuộc sống gia đình, mọi thứ đều tạm dừng. Mọi thứ chỉ là thứ yếu so với những gì chúng tôi bắt đầu bận rộn vào thời điểm đó”.
Theo nghệ sĩ Prinsloo, dựng tượng Nelson Mandela là một công việc đầy áp lực vì “bản thân vị lãnh tụ là một con người đầy tính biểu tượng được toàn thế giới công nhận”. Ông nói: “Bất cứ khi nào chúng tôi, những người dân Nam Phi ra nước ngoài, khi biết chúng tôi đến từ Nam Phi, thì từ thứ hai những bạn nước ngoài nói với chúng tôi sẽ là Nelson Mandela. Vì vậy chúng tôi biết chúng tôi phải làm bức tượng với gương mặt biểu tượng ai ai cũng có thể nhận ra”.
Và như vậy, hai nhà điêu khắc, một già - Andre Prinsloo, 57 tuổi, một trẻ, Vuuren, 32 tuổi, đã bắt tay vào công việc. Đây không phải là lần hợp tác đầu tiên của cả hai trong một tác phẩm lớn hơn kích thước thực, nên cả hai sau đó cảm thấy thoải mái với tác phẩm điêu khắc đặc biệt này.
Khi biết vị trí của bức tượng sẽ là ở trước khuôn viên Tòa nhà Liên minh, với kiến trúc bán nguyệt rất cân xứng, cả hai quyết định sẽ phải dựng bức tượng Nelson Mandela hài hòa với tổng thể kiến trúc. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Madiba cao 1,83m với dáng người gầy và thanh lịch. Chúng tôi muốn công chúng có thể tiếp cận bức tượng của Madiba và quyết định khắc họa ông với chiếc áo sơ mi Madiba thương hiệu của ông”.
Hai nhà điêu khắc cũng quyết định tập trung vào tư thế và nét mặt bức tượng nhằm tạo sự gần gũi nhưng cũng độc đáo của bức tượng.
Nghệ sĩ Prinsloo tâm sự: “Khi khắc họa hình tượng Nelson Mandela, người ta thường nghĩ đến ông như một nhân vật giải phóng dân tộc hoặc một chiến binh vì tự do với hình ảnh giơ cao nắm đấm. Tuy nhiên, khi chúng tôi nghĩ đến tinh thần hòa giải dân tộc, cũng là ngày mà bức tượng dự định sẽ ra mắt công chúng, chúng tôi đã đề xuất tư thế cánh tay mở chào đón mọi người như hiện tại. May mắn thay, sau nhiều lần cân nhắc, đề xuất này đã được chấp thuận”. Theo nghệ sĩ, vòng tay rộng mở của Nelson Mandela không chỉ là một cử chỉ hòa giải mà còn là một cử chỉ ban phước lành cho người dân. Nụ cười của Mandela cũng là một thử thách đối với Prinsloo và cộng sự, phải giữ nguyên được nụ cười đầy thân ái và rạng rỡ của Mandela.
Do hạn chế về thời gian, nhóm của hai nghệ sĩ Prinsloo và Vuuren đã phải làm việc cấp tập, từ việc dựng hình 3D, cắt hình mẫu CNC, tạo khuôn, làm mẫu sáp, pha đồng… Cả nhóm gần như làm việc 24/7 với tâm niệm phải hoàn thành tác phẩm trong thời gian ngắn nhất có thể và với chất lượng tốt nhất. Trong cả quá trình đúc tượng, nhóm của ông Prinsloo luôn có cả những kỹ sư để tính toán cẩn thận các con số nhằm đảm bảo an toàn cho bức tượng, khả năng chống chịu thời tiết như mưa to, gió lớn và sấm sét.
Sau khi hoàn thành, bức tượng với trọng lượng 4,4 tấn được vận chuyển 1.670 km từ xưởng tại Cape Town về đến thủ đô Pretoria để lắp đặt. Nghệ sĩ Prinsloo nhớ rõ nhóm của ông đã phải tính toán cả các giới hạn về đường sá, bao gồm chiều cao và chiều rộng của đường cho phép chở bức tượng cao và to như vậy. Đôi mắt bỗng sáng lên, ông cho biết: “Mọi chuyện thật may mắn, chúng tôi đã vận chuyển bức tượng cả quãng đường trong một khoảng thời gian khiêm tốn và an toàn khoảng 22 giờ và không gặp bất cứ sự cố nào”.
Đêm trước khi bức tượng ra mắt công chúng, nghệ sĩ Prinsloo đã không ngủ được, một phần vì thương nhớ vị lãnh tụ giải phóng dân tộc vừa từ trần, một phần vì hồi hộp không biết sự đón nhận của người dân đối với tác phẩm của mình như thế nào. Ông bộc bạch: “Cảm giác đó giống như mong chờ ngày đứa con của mình ra đời vậy. Tôi đã lo lắng không biết đứa con tinh thần của mình sẽ được đón nhận như thế nào, liệu mọi chuyện có được thuận lợi hay không”.
Đến ngày hôm sau, cảm xúc mới vỡ òa đối với nghệ sĩ Prinsloo, với người đồng sự Vuuren và tất cả nhóm tham gia vào việc dựng tượng.
Ông hồi tưởng: “Khi chúng tôi nghe tiếng ồ lên tán thưởng của người dân chứng kiến cũng như nhận được những lời chúc tụng từ bạn bè khắp nơi trên thế giới, chúng tôi hiểu tác phẩm khắc họa Madiba của chúng tôi đã được mọi người đón nhận”.
Nghệ sĩ cũng tiết lộ: “Lần sau nếu bạn đến thăm tượng Nelson Mandela, hãy để ý có một vết cắt trên ống quần ở chân trước (chân trái bức tượng). Tôi coi đây giống như một hòm thư, bạn có thể viết thư cho Madiba và gửi vào hòm thư đó nhé”. Nghệ sĩ Prinsloo nói rằng tuy không thể được chứng kiến lãnh tụ Nelson Mandela chiêm ngưỡng bức tượng lớn vào ngày trọng đại, nhưng niềm tự hào là một phần tạo nên bức tượng sẽ theo ông mãi.
Nhà điêu khắc già cho biết: “Tôi đã học được rất nhiều từ Madiba trong quá trình dựng tượng ông. Sau khi ngồi tù 27 năm, Madiba tươi cười bước ra ngoài và ôm hôn tất cả mọi người, kể cả những người đã nhốt ông trong tù. Ông ấy không hề tức giận và không bao giờ có ý định trả thù, nên đối với cả một dân tộc, tôi nghĩ bức tượng này luôn nhắc nhở chúng ta phải đùm bọc lẫn nhau”.
Chia tay chúng tôi, nghệ sĩ Prinsloo còn nói: “Với tất cả những gì Madiba đã trải qua trong cuộc sống mà vẫn có thể gạt bỏ mọi hận thù, tươi cười bước ra ôm cả dân tộc vào lòng, có thể thấy ông đã đạt đến cảnh giới hoàn hảo mà rất ít người trên thế giới có thể đạt tới”.
Những ngày tháng 7 này, được nghe nhà điêu khắc Prinsloo kể chuyện dựng bức tượng lớn nhất của vị anh hùng dân tộc Nam Phi đúng dịp Ngày quốc tế Nelson Mandela (Liên hợp quốc quyết định kỷ niệm từ năm 2009 theo ngày sinh của Nelson Mandela, 18/7/1918), tôi mới thấm thía vì sao người dân “quốc gia Cầu vồng” luôn coi lãnh tụ Nelson Mandela là biểu tượng cao nhất của lòng yêu thương con người, của tinh thần đoàn kết, hòa giải dân tộc và khát vọng tự do.