Tình trạng bạo loạn đã xảy ra tại thủ phủ Belfast của Bắc Ireland vào đêm 9/4 với việc những kẻ quá khích ném bom xăng và gạch đá vào cảnh sát. Đến nay đã có 88 cảnh sát bị thương trong làn sóng bạo lực gần đây.
Cảnh sát cũng đụng độ với một nhóm 40 đối tượng quá khích ở thị trấn Coleraine ở phía Bắc và một người đàn ông đã bị bắt giữ về tội tàng trữ bom xăng sau các vụ bạo loạn ở Newtownabbey, ngoại ô phía Bắc của thủ phủ Belfast.
Ngày 10/4 cũng đánh dấu tròn 23 năm, các phe phái đối địch ở Bắc Ireland ký kết "Thỏa thuận ngày thứ Sáu tốt lành" chấm dứt 3 thập kỷ xung đột sắc tộc đẫm máu ở vùng lãnh thồ này, vốn đã làm khoảng 3.500 người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney thừa nhận đây là "một tuần khó khăn và đáng lo ngại". Ông nhấn mạnh lễ kỷ niệm ngày ký kết thỏa thuận hòa bình trên sẽ nhắc nhở trách nhiệm, quyết tâm của các bên trong việc bảo đảm hòa bình tại Bắc Ireland.
Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã lên tiếng về vụ bạo lực ở Belfast. Nhà Trắng đã bày tỏ quan ngại về tình trạng bất ổn ở Bắc Ireland, đồng thời kêu gọi giữ bình tĩnh.
Cùng ngày, trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn chính của Ủy ban châu Âu Eric Mamer viết: “Chúng tôi lên án, bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể, các hành vi bạo lực đã xảy ra ở Bắc Ireland trong những ngày qua. Không một ai được hưởng lợi từ tình trạng này. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan ngay lập tức kiềm chế những hành vi bạo lực này”.
Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland trong Chính phủ Anh Brandon Lewis đã kêu gọi các cộng đồng tại Bắc Ireland cùng nhau giải quyết căng thẳng.
Căng thẳng tại Bắc Ireland gia tăng trong những tháng gần đây giữa cộng đồng người Tin lành và cộng đồng theo đạo Thiên chúa giáo, một phần do những bất đồng quan điểm trong việc thực thi thỏa thuận Brexit (Anh rời EU) có hiệu lực từ 1/1/2021.
Theo thỏa thuận này, hàng hóa từ Anh vào Bắc Ireland phải tuân theo các quy định của EU nên bị những người theo chủ nghĩa dân tộc phản đối. Một số người quá khích đã dùng bom xăng, đá, pháo sáng tấn công cảnh sát ở thủ phủ Belfast. Các nhóm bán quân sự thuộc hai phe ủng hộ Bắc Ireland ở lại Vương quốc Liên hiệp Anh hoặc sáp nhập vào Cộng hòa Ireland cũng tham gia vào các cuộc bạo loạn này.