Nghiên cứu do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thực hiện và được đăng tải trên tạp chí Morbidity and Mortality Weekly Report. CDC đã phân tích các dữ liệu để xác định số lượng và mô tả xu hướng của các trường hợp mắc bệnh lao.
Theo báo cáo, số ca mắc lao phổi đã tăng từ 7.173 lên 7.860 ca vào năm 2021. Từ năm 2019 đến năm 2020, số bệnh nhân lao đã giảm gần 20%. Tuy tăng, song số ca bệnh lao trong năm 2021 vẫn thấp hơn 12,6% so với năm 2019. Trước khi đại dịch bùng phát, tỷ lệ mắc bệnh lao giảm trung bình từ 1% đến 2% mỗi năm.
Các nhà nghiên cứu đưa ra một số giả thuyết về những thay đổi trong xu hướng bệnh lao trong 3 năm qua, nhiều trong số đó liên quan đến đại dịch COVID-19. Họ cho biết có thể những nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 và hạn chế đi lại đã giúp số ca mắc bệnh lao giảm kể từ năm 2019.
Sự xáo trộn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ thời gian đại dịch cũng có thể khiến nhiều trường hợp mắc bệnh lao không được thăm khám hoặc không được chẩn đoán. Bên cạnh đó, nhiều bác sĩ cũng chẩn đoán nhầm bệnh lao thành COVID-19 do có cùng triệu chứng hô hấp.
Ví dụ như tại bang Minnesota, xu hướng bệnh lao tại đây gần như giống với xu hướng bệnh của các nước với nguyên nhân tương tự. Số ca mắc tại Minnesota đã tăng từ mức 2,05 ca trên mỗi 100.000 dân trong năm 2020 lên mức 2,35 trên mỗi 100.000 dân vào năm sau đó. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với mức 2,62 của năm 2019.
Bà Sarah Gordon, người giám sát Chương trình kiểm doát bệnh lao của bang Minnesota, cho biết có xu hướng giảm tỷ lệ mắc bệnh lao do số ca mắc COVID-19 giảm và những thay đổi trong mô hình nhập cư và du lịch đến Mỹ trong thời gian đại dịch. Bà nhận định có sự sụt giảm về số ca mắc bệnh lao do chẩn đoán sai hoặc chẩn đoán chậm do nhân viên y tế không sàng lọc bệnh lao ban đầu hoặc bệnh nhân ít có khả năng đi khám bệnh trong thời gian đại dịch.
Theo bà Gordon, các trường hợp không được chẩn đoán có thể làm tăng khả năng lây truyền, dẫn tới bệnh lao lan rộng. Bà cho rằng nhiều khả năng số ca mắc bệnh lao trong năm 2022 tại Minnesota hay tại Mỹ sẽ không tăng so với năm 2019, song việc chẩn đoán sai hay chẩn đoán chậm cũng là mối lo ngại.
Theo Liên minh phòng trừ bệnh lao (TB Elimination Alliance), số xét nghiệm bệnh lao giảm một phần là do hệ thống y tế dồn nỗ lực chống COVID-19. Ví dụ, 30% nhân viên Phòng Y tế Dân số của San Francisco đã được luân chuyển sang phòng dịch COVID-19.
Bệnh lao là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, thường ở phổi, có thể gây ho, đau ngực và sốt. Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy trong số các bệnh truyền nhiễm, bệnh lao cướp đi sinh mạng của nhiều người nhất mỗi năm. WHO ước tính khoảng 25% dân số toàn cầu bị mắc bệnh lao, nhưng chỉ 5% đến 15% trong số những người bị nhiễm sẽ bị chuyển nặng.
Một số người còn bị nhiễm lao "tiềm ẩn", tức là vi khuẩn lao trong trạng thái bất hoạt, không biểu hiện ra bệnh, không có triệu chứng, và không truyền vi khuẩn sang người. Bà Gordon cho biết nhiễm trùng lao tiềm ẩn có thể tiến triển khiến bệnh nhân xuất hiện triệu chứng và chuyển nặng. Bà cho rằng những trường hợp bị nhiễm trùng lao tiềm ẩn có thể là một trong số nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh lao gia tăng ở một vài nhóm người.
Trước đó, phát biểu nhân Ngày Thế giới phòng chống lao (ngày 24/3) Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay cơ quan này đã lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong do bệnh lao gia tăng trong hơn 10 năm qua. Theo Báo cáo bệnh lao toàn cầu, công bố hồi tháng 10/2021, số ca tử vong do bệnh lao đã tăng từ 1,2 triệu người trong năm 2019 lên mức 1,3 triệu người trong năm 2020. Báo cáo này cũng cảnh báo tác động của đại dịch COVID-19 đã đảo ngược những tiến bộ của thế giới trong việc giảm thiểu số người tử vong do bệnh lao.