Trong báo cáo phân tích về cách thức châu Âu thích nghi với biến đổi khí hậu, công bố ngày 14/6, EEA cho biết khoảng 46% bệnh viện và 43% trường học nằm ở những nơi có nhiệt độ cao hơn ít nhất 2 độ C so với mức trung bình trong khu vực. Nguyên nhân là hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”, tức là tình trạng mật độ tập trung cao của nhà cao tầng và cơ sở hạ tầng như đường giao thông khiến khu vực đó hấp thụ và giữ nhiệt nhiều hơn các khu vực có cây xanh. Người phụ trách về thích ứng khí hậu của EEA, ông Blaz Kurnik cảnh báo: “Điều này sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người”.
Biến đổi khí hậu - do con người không ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch - đang khiến các đợt nóng gay gắt và thường xuyên hơn. Xu hướng thời tiết cực đoan này, cộng với tình trạng “đảo nhiệt đô thị", gây ra những rủi ro như tăng số ca tử vong vì sốc nhiệt ở nhóm người dễ bị tổn thương như người cao tuổi.
Ông Blaz Kurnik cho biết: “Tính dễ bị tổn thương ở châu Âu cũng đang gia tăng do dân số già hóa và các thành phố đông đúc hơn. Điều này cộng với các đợt nóng sẽ tạo ra rủi ro cho xã hội tương lai". Hiện tượng này đã từng xảy ra trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt. Theo báo cáo của EEA, mùa Hè năm 2022 chứng kiến nhiều ca tử vong hơn bình thường tại châu Âu do những đợt nắng nóng liên tiếp. Tháng 7/2022, số ca tử vong cao hơn 53.000 ca so với mức trung bình trong thời gian từ năm 2016-2019, tức tăng 16%, dù không phải toàn bộ đều trực tiếp do nắng nóng gây ra.
Báo cáo của EEA cũng cho biết trong giai đoạn từ năm 1980 - 2021, tại châu Âu có 195.000 người tử vong do thời tiết cực đoan - như bão lụt, các đợt nóng, lạnh, cháy rừng, lở đất. Bên cạnh đó, thiệt hại kinh tế lên tới hơn 560 tỷ euro (605 tỷ USD), trong đó chỉ 170 tỷ (tức 30%) là thiệt hại được bảo hiểm. Trong đó, các đợt nóng là nguyên nhân gây ra 81% ca tử vong và 15% thiệt hại tài chính.
Để cải thiện tình hình, EEA hối thúc các chính phủ đưa ra biện pháp giảm hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”, như tạo thêm không gian cây xanh và nước mát. Ví dụ, thủ đô Paris của Pháp đang thực hiện chương trình cải tạo thí điểm không gian xanh mát hơn với vòi phun nước và cây chịu hạn tại 10 trường học. Các biện pháp khác có thể áp dụng như đẩy sớm thời gian bắt đầu kỳ nghỉ để tránh việc dạy học trong điều kiện nóng gay gắt. Điều quan trọng là các nước châu Âu cần triển khai hành động cụ thể đối với các chiến lược thích ứng khí hậu đã xây dựng.
Phát biểu với báo giới, chuyên gia của EEA, ông Aleksandra Kazmierczak nhấn mạnh: “Để tránh gia tăng thiệt hại, chúng ta cần khẩn cấp chuyển từ việc ứng phó với các sự kiện thời tiết cực đoan sang chủ động chuẩn bị ứng phó”.