UNU-INWEH, được biết đến với cái tên Nhóm chuyên gia cố vấn về nước của LHQ, được thành lập năm 1996 và là một thành viên trong các tổ chức của UNU.
Báo cáo trên được công bố vào ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Nước của LHQ 2023, cung cấp một sự so sánh đa chiều về tình trạng an ninh nước đang ảnh hưởng tới 7,8 tỷ người tại 186 quốc gia ở giai đoạn giữa của Thập kỷ Hành động về nước (2018-2028) và Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững.
Thông cáo báo chí đi kèm với báo cáo trên nêu rõ thế giới còn xa mới đạt Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 6 về việc đảm bảo mọi người đều được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh.
Người đứng đầu nhóm tác giả thực hiện báo cáo, nhà nghiên cứu an ninh nước cấp cao tại UNU-INWEH, bà Charlotte MacAlister cho biết: “Nếu mất an ninh về nước, các quốc gia sẽ không có khả năng hỗ trợ các hệ sinh thái nước sạch, sinh kế và sự khỏe mạnh, sung túc của người dân”. Bà cũng nhấn mạnh rằng bản đánh giá toàn cầu này đã cho thấy những thách thức lớn trong quá trình phát triển mà các cuộc thảo luận chính sách cần tập trung vào trong 7 năm còn lại để thực hiện SDG 6.
Theo đánh giá của UNU-INWEH, các nhà hoạch định chính sách đang chủ yếu tập trung vào giảm thiểu tình trạng khan hiếm nước trên toàn cầu. Các tác giả cho rằng cách diễn giải chưa đủ về an ninh nước như vậy “đã khiến thế giới bị chệch hướng khỏi SDG 6 vào năm 2030”.
Để cung cấp một cách hiểu thiết thực hơn về tình hình an ninh nước trên thế giới, báo cáo của LHQ đánh giá an ninh nước dựa trên 10 nhân tố, gồm nước uống, vệ sinh, sức khỏe tốt và chất lượng nước… Kết quả đáng lo ngại: 78% dân số thế giới, tức 6,1 tỷ người, đang sống tại các quốc gia mất an ninh về nước.
Các phát hiện quan trọng của bản đánh giá cho thấy tổng cộng 23 nước, trong đó có 16 nước kém phát triển nhất ((LDC) và 7 quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS), đang mất an ninh nghiêm trọng về nước; Chỉ 33 quốc gia thuộc 3 khu vực địa lý có an ninh nước; Hơn 70% (tức gần 5,5 tỷ người) không được tiếp cận với nước an toàn, trong đó châu Phi có mức tiếp cận thấp nhất; 31% (tức 411 triệu người) tại 54 quốc gia châu Phi, trong đó có 33 LDC và 6 SIDS, không được tiếp cận với dịch vụ nước uống cơ bản, chỉ 201 triệu người (15%) được tiếp cận với nước uống an toàn; Các quốc gia có nguy cơ lũ lụt và hạn hán gặp khó khăn gấp bội, ảnh hưởng đến an toàn kinh tế, trong đó châu Phi có số quốc gia gặp nguy cơ lũ lụt và hạn hán nhiều nhất, đồng thời cũng là nơi có tăng trưởng dân số, đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh.