Theo tờ Wall Street Journal ngày 22/1, giá năng lượng hiện đã giảm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Nhưng thật khó để tin rằng Chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đang xem xét một "món quà năm bầu cử" dành cho Nga và Iran: Lệnh cấm xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới.
Nguồn tin trên cho biết, cố vấn của Tổng thống Biden, John Podesta, đang thúc đẩy ý tưởng này tại Nhà Trắng như một chiến dịch vận động hành lang về khí hậu, sau khi các nhóm chống biến đổi khí hậu tức giận trước việc Chính quyền Mỹ phê duyệt dự án dầu khí và khí đốt ConocoPhillips’ Willow ở Alaska. Nhà vận động hành lang về khí hậu Bill McKibben đã viết vào tuần trước: “Chúng tôi có thể giúp cư dân ở đó ngăn chặn sự xâm chiếm mạnh mẽ của các cảng xuất khẩu LNG”.
Xuất khẩu LNG của Mỹ đã tăng khoảng 31 tỷ feet khối mỗi tháng (8,7%) kể từ tháng 1/2022, điều này đã giúp châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và giảm giá khí đốt toàn cầu. Nếu không có LNG của Mỹ, sự ủng hộ chính trị ở châu Âu dành cho Ukraine có thể đã giảm sút khi người dân ở lục địa này dao động vì giá năng lượng leo thang.
Sự tăng trưởng trong xuất khẩu LNG phần lớn nhờ vào các dự án được Chính quyền Mỹ thời Tổng thống Donald Trump phê duyệt. Bộ Năng lượng Mỹ sẽ phải phê duyệt việc xuất khẩu LNG sang các nước không có hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Tính đến nay, Tổng thống Biden đã phê duyệt 5 giấy phép, tất cả đều là giấy phép mở rộng công suất. Nhưng trước đó, Chính quyền Trump đã phê duyệt 14 giấy phép.
Trong khi Chính quyền Trump phê duyệt giấy phép trung bình trong 7 tuần, nhưng Chính quyền Biden phải mất 11 tháng để xử lý chúng. Ngay cả khi những dự án này được phê duyệt thì cũng phải mất vài năm mới đi vào hoạt động. Nhưng sự gia tăng xuất khẩu LNG cuối cùng sẽ giúp thay thế năng lượng than và khí đốt của Nga. Xuất khẩu LNG của Nga - một số vẫn được xuất sang châu Âu - đạt kỷ lục trong tháng 12 vừa qua.
Một cơ sở xuất khẩu LNG lớn mới của Nga dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Iran, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ ba thế giới, đã khôi phục hoạt động xây dựng cơ sở xuất khẩu LNG mà nước này đặt mục tiêu hoàn thành vào năm tới. Mỹ đã vượt qua Qatar vào năm ngoái để trở thành nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới, nhưng các dự án mới có thể giúp Doha lấy lại vị trí dẫn đầu.
Nếu các dự án LNG mới của Mỹ bị chặn, châu Âu và châu Á sẽ phải nhập khẩu khí đốt từ nơi khác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Hầu hết sẽ không đến từ những nước thân thiện với Mỹ. Tuy nhiên, tổ chức vận động hành lang về khí hậu ở Mỹ cho biết các dự án LNG mới sẽ tạo ra lượng khí thải CO2 cao hơn trong nhiều thập kỷ.
Việc chặn các dự án xuất khẩu LNG mới sẽ không làm giảm lượng khí thải toàn cầu, nhưng nó sẽ là "một món quà" cho các đối thủ của Mỹ và cho châu Âu thấy rằng Mỹ không phải là một đồng minh đáng tin cậy.
Chủ tịch cơ quan khí đốt châu Âu Eurogas, Didier Holleaux, cho biết: “Ở châu Âu, nhiều dự án xây dựng trạm nhập khẩu LNG mới dựa trên giả định về mối quan hệ cung cấp lâu dài ổn định với Mỹ. Nếu năng lực xuất khẩu LNG bổ sung của Mỹ không thành hiện thực, điều đó sẽ có nguy cơ gia tăng và kéo dài tình trạng mất cân bằng nguồn cung toàn cầu” và khiến giá cả biến động.
Cả Mỹ và EU đều cam kết tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu diễn ra vào tháng trước ở Dubai để bắt đầu “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch”. Nhưng điều đó không làm giảm bớt "cơn khát" nhiên liệu của châu Âu đối với nguồn năng lượng này từ Washington.
Tom Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt tại công ty thông tin hàng hóa ICIS, cho biết, bất chấp kế hoạch đầy tham vọng của EU nhằm đạt được mục tiêu trung lập về khí hậu vào năm 2050, khối này vẫn chưa đặt ra thời hạn cho việc loại bỏ khí đốt. Ông cho biết lục địa này có thể cần tiếp tục tiếp cận hàng xuất khẩu của Mỹ trong thập kỷ tới.