Thông báo của Bộ Ngoại giao Kuwait nêu rõ, quyết định được đưa ra căn cứ vào việc chính phủ Liban không giải quyết thỏa đáng trước “những tuyên bố đáng trách và không thể chấp nhận được nhằm vào Saudi Arabia và các nước còn lại trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC)”.
Trong GCC, ngoài Saudi Arabia và Kuwait còn có Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Oman và Qatar.
Trước đó, kênh truyền hình MTV của Liban dẫn một nguồn tin thân cận với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cho biết, tất cả các quốc gia thuộc GCC có thể sắp cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liban trong tương lai gần.
Như vậy, Kuwait là nước thứ ba có động thái như trên, sau Saudi Arabia và Bahrain, nhằm phản ứng trước bình luận của Bộ trưởng Thông tin Liban George Kordahi về chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn dắt tại Yemen. Trong khi đó, UAE cũng đã triệu đại sứ của Liban tới phản đối về bình luận của ông Kordahi.
Về phần mình, chính phủ Liban bày tỏ muốn duy trì quan hệ với tất cả các quốc gia vùng Vịnh. Bên cạnh đó, phát biểu sau cuộc họp với nhóm xử lý khủng hoảng trong chính phủ Liban, Ngoại trưởng Abdullah Bou Habib cũng cho biết nhiều đối tác quốc tế đã liên lạc với Thủ tướng Najib Mikati và kêu gọi ông không từ chức bởi căng thẳng ngoại giao hiện nay giữa Beirut và các quốc gia vùng Vịnh.
Trong một bài trả lời phỏng vấn truyền hình được phát hôm 27/10, Bộ trưởng Kordahi đã chỉ trích liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen trong cuộc chiến chống lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn, đồng thời cho rằng cuộc chiến kéo dài 7 năm qua ở Yemen “đã đến lúc phải kết thúc”.
Tối 29/10, Thủ tướng Najib Mikati đã yêu cầu ông Kordahi cân nhắc "lợi ích quốc gia" của Liban, song không yêu cầu ông này phải từ chức. Beirut sau đó đã ra tuyên bố khẳng định những phát biểu của Bộ trưởng Kordahi không phản ánh quan điểm của Chính phủ Liban.
Ông Kordahi đã từ chối xin lỗi hay từ chức do bình luận nêu trên. Tuy nhiên, bình luận này của ông đã giáng đòn nặng nề nhất vào mối quan hệ Saudi Arabia - Liban kể từ sau vụ giam giữ Thủ tướng Liban lúc đó là Saad al-Hariri ở Riyadh hồi năm 2017.