Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry trong một cuộc họp tại Cairo ngày 15/11/2017. Ảnh: THX/TTXVN |
Cuộc thảo luận diễn ra tại thủ đô Cairo của Ai Cập, giữa ông Shoukry với phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề vùng Vịnh Timothy Lenderking và cựu Tướng của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ Anthony Zinni.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát từ tháng 6/2017, khi Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cáo buộc Qatar hỗ trợ khủng bố. Doha bác bỏ cáo buộc trên là "vô căn cứ". Sau đó, 4 nước này đã đưa ra một danh sách gồm 13 yêu cầu đối với Doha để chấm dứt khủng hoảng, trong đó có giảm quan hệ với Iran, đóng cửa đài truyền hình Al-Jazeera, lập tức dừng công trình xây dựng một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và cắt mọi quan hệ với "các tổ chức khủng bố" mà các nước này liệt kê, bao gồm phong trào Anh em Hồi giáo và phong trào Hezbollah ở Liban, mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, nhóm Fatah al-Sham (trước đây là Mặt trận al-Nusra) ở Syria....
Tân Hoa Xã dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết tại cuộc gặp các đại diện Mỹ ngày 5/3, Ngoại trưởng Shoukry đã trình bày những lo ngại của Ai Cập cùng 3 nước Arab nói trên về "vai trò tiêu cực của Qatar khi bảo trợ chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, dù dưới hình thức hỗ trợ tài chính hay cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các phần tử khủng bố", gây nguy hiểm cho an ninh của 4 nước này.
Theo tuyên bố, Ngoại trưởng Shoukry đã thông báo với các đại diện Mỹ về kết quả các cuộc gặp mà ông đã thực hiện trong chuyến công du khu vực. Ông nêu rõ Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập nhất trí rằng Qatar cần phải thực hiện danh sách yêu cầu nói trên, đồng thời cho biết thêm các nước Arab này đã đưa ra không ít cơ hội nghiêm túc nhằm giải quyết khủng hoảng.