Phát biểu tại họp báo khi được hỏi về khả năng rút binh sĩ tại Iraq về nước, ông Morrison khẳng định: "Đó không phải là quyết định chúng tôi đưa ra". Thủ tướng Australia cho biết chính phủ của ông vẫn tập trung vào việc "đảm bảo một Iraq thống nhất và ổn định".
Thông tin trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết không có lính Mỹ thương vong trong vụ tấn công bằng tên lửa của Iran rạng sáng 8/1 nhằm vào các căn cứ quân sự tại Iraq, nơi có binh sĩ Mỹ đồn trú. Ông Trump cũng hàm ý về khả năng hợp tác giữa Washington và Tehran khi nói rằng: "Việc tiêu diệt tổ chức "nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tốt cho Iran, và chúng ta nên hợp tác với nhau về việc này cũng như trong những ưu tiên khác".
Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết Tokyo đánh giá cao động thái kiềm chế được thể hiện qua tuyên bố của Tổng thống Trump, trong đó cho biết không muốn sử dụng sức mạnh quân sự với Iran. Về phần mình, Chính phủ Nhật Bản sẽ liên kết chặt chẽ với các nước có liên quan và tiến hành các nỗ lực ngoại giao có thể để hòa giải căng thẳng tại Trung Đông.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vẫn sẽ thực hiện chuyến thăm 3 nước Trung Đông theo đúng kế hoạch đã định, trong một nỗ lực tìm giải pháp giảm căng thẳng giữa Mỹ - Iran.
Ông Abe cho biết vẫn sẽ thực hiện chuyến thăm theo kế hoạch sau khi Mỹ và Iran đều có những động thái cho thấy cả hai không muốn đẩy tình hình căng thẳng leo thang hơn nữa. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng xác nhận kế hoạch chuyến thăm của Thủ tướng Abe không có gì thay đổi nếu không xảy ra đột biến nào tại Trung Đông.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Abe sẽ tới thăm Saudi Arabia, Oman và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 12-15/1. Ông Abe cho biết sẽ nỗ lực hòa giải và ổn định tình hình khu vực Trung Đông thông qua các biện pháp ngoại giao, đồng thời kêu gọi các bên liên quan có những hành động kiềm chế, tránh làm xấu thêm tình hình đang căng thẳng hiện nay.
Trong phản ứng của mình, Giáo hoàng Francis kêu gọi Mỹ và Iran tránh leo thang và theo đuổi "đối thoại và kiềm chế" nhằm tránh một cuộc xung đột lớn hơn tại Trung Đông.
Đây là lần đầu tiên Giáo hoàng Francis bình luận trực tiếp về cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong một bài phát biểu thường niên mang tên "Tình trạng thế giới" gửi tới các Đại sứ của hơn 180 quốc gia ở Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng nhấn mạnh căng thẳng "có nguy cơ làm phức tạp thêm tiến trình tái thiết Iraq, cũng như tạo nền tảng cho một cuộc xung đột lớn hơn mà tất cả chúng ta đều muốn tránh". Vì vậy, "tôi một lần nữa kêu gọi tất cả các bên liên quan tránh leo thang xung đột và duy trì ngọn lửa đối thoại và kiềm chế, và tôn trọng luật pháp quốc tế".
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết Seoul không nhất thiết phải luôn luôn đứng về phía Washington trong căng thẳng tại vùng Vịnh. Phát biểu trước các nghị sĩ, bà Kang khẳng định: "Quan điểm của Mỹ và của chúng ta không phải luôn đồng nhất trong các phân tích chính trị và khi cân nhắc quan hệ song phương với các nước tại khu vực Trung Đông". Theo bà, Hàn Quốc có quan hệ kinh tế bền vững và lâu đời với Iran, và hiện vẫn tiếp tục nỗ lực tiến hành các trao đổi trong các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và giáo dục.
Ngoại trưởng Kang cho biết chính phủ hiện chưa chưa quyết định về việc có huy động binh sĩ đến hỗ trợ đảm bảo an ninh khu vực Eo biển Hormuz hay không. Tuy nhiên, theo bà một trong các lựa chọn có thể là điều một phần đơn vị chống hải tặc Cheonghae ở vùng Vịnh Aden ngoài khơi Somalia, đến Eo biển Hormuz, cách đó khoảng 1.800 km. Bà Kang đưa ra tuyên bố trên sau khi Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc bày tỏ hy vọng khả năng binh sĩ Hàn Quốc được triển khai tới vùng eo biển chiến lược này trong bối cảnh căng thẳng lên cao tại Trung Đông sau khi Tướng Soleimani của Iran thiệt mạng