Theo đài Sputnik (Nga), thỏa thuận mới do Ngoại trưởng Canada Melanie Joly và người đồng cấp Đan Mạch Jeppe Kofod ký kết vào hôm 14/6, Thỏa thuận chính thức phân định ranh giới trên biển ở Bắc Cực và giải quyết vấn đề chủ quyền đối với đảo Hans. Cụ thể, khoảng 60% diện tích của hòn đảo thuộc về Đan Mạch và phần còn lại thuộc về Canada.
“Đây thực sự là một ngày lịch sử. Chúng tôi đã thảo luận về chủ quyền của đảo Hans trong hơn 50 năm. Sau khi thúc đẩy các cuộc đàm phán trong nhiều năm qua, chúng tôi đã đạt được một giải pháp. Những nỗ lực của chúng tôi thể hiện cam kết chung mạnh mẽ đó là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Tôi hy vọng cuộc đàm phán của chúng ta và tinh thần của thỏa thuận này có thể truyền cảm hứng cho những quốc gia khác. Điều này rất cần thiết vào thời điểm mà việc tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp đang chịu áp lực”, Ngoại trưởng Kofod tuyên bố tại lễ ký kết.
Thỏa thuận mới đã giúp giải quyết các vấn đề biên giới còn tồn tại đối với “ranh giới hàng hải trên thềm lục địa trong phạm vi 200 hải lý, bao gồm biển Lincoln và thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở biển Labrador”, theo Global Affairs Canada.
Canada và Đan Mạch cho biết thỏa thuận này là sự khởi đầu của một mối quan hệ đối tác mới chặt chẽ hơn, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng người Inuit, người dân địa phương của Greenland và Nunavut.
Đảo Hans là một hòn đảo hoang cằn cỗi nằm giữa eo biển Kennedy, ngăn cách Canada với Greenland. Hòn đảo này chỉ rộng 1,3km2 không có đất đai, cây cối, và không được biết đến là nơi có dự trữ dầu mỏ hay khí đốt. Trung tâm dân cư gần hòn đảo nhất là Alert, Canada, cách đảo Hans 123 km và có dân số 62 người.
Tuy không chứa dầu, khí đốt hay các nguồn tài nguyên phong phú khác, nhưng vị trí địa lý của đảo Hans có thể mang lại những cơ hội kinh tế tiềm tàng, chẳng hạn một tuyến đường vận chuyển mới và các nguồn năng lượng chưa được khai thác khi Bắc Cực tan băng. Điều đó thúc đẩy các quốc gia khẳng định yêu sách lãnh thổ và thiết lập chủ quyền.
Trong cuộc chiến tranh giành hòn đảo đá nằm ở vùng chiến lược Bắc Cực, Canada và Đan Mạch chỉ dùng đến “vũ khí” là… những chai rượu whisky. Năm 1984, quân đội Canada thực hiện một chuyến đi đến đảo Hans. Ngoài việc cắm quốc kỳ Canada trên đá, họ còn để lại một chai rượu whisky Canada. Chỉ một tuần sau, một quan chức Đan Mạch đến thăm hòn đảo, thay lá cờ Canada bằng cờ Đan Mạch và thay chai rượu whisky bằng một chai brandy Đan Mạch. Ông cũng để lại một lời nhắn chào mừng các du khách đến Đan Mạch.
“Mỗi khi quân đội Đan Mạch đến đó, họ để lại một chai Schnapps. Và khi quân đội Canada đến, họ để lại một chai Canadian Club kèm tấm biển ‘Chào mừng đến với Canada’”, nhà ngoại giao Đan Mạch Taksøe-Jensen cho biết.
Tuy nhiên tranh chấp đảo Hans không phải là trò đùa đối với các nhà lãnh đạo Đan Mạch hay Canada. Chẳng hạn, khi Bộ trưởng Quốc phòng Canada bất ngờ đến thăm hòn đảo vào năm 2005, chuyến đi đã gây phản ứng tức giận từ Đan Mạch.
Sự quan tâm ngày càng tăng với tảng đá này liên quan đến một sự chuyển đổi lớn hơn. Bắc Cực đang nóng lên nhanh gấp đôi so với Trái Đất nói chung, mở ra các tuyến đường và tài nguyên quý giá từ lâu bị phong toả dưới lớp băng biển.
Theo luật quốc tế, các quốc gia có thể tuyên bố chủ quyền lãnh hải cách bờ biển của họ 12 hải lý (22km). Do đảo Hans nằm ở khúc hẹp của eo biển Nares, nó nằm trong vùng 12 hải lý của cả Canada và Đan Mạch.