Quốc vương Norodom Sihamoni (giữa) Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin (trái) và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Samdech Hun Sen (thứ 2 trái) tại lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Tonle Sap ngày 2/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây là lễ hội lần thứ ba kể từ năm 2014, sau 5 năm gián đoạn trước đó do vụ giẫm đạp làm hàng trăm người chết trên cầu Koh Pech và lũ lụt.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Quốc vương Norodom Sihamoni, Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin Chủ tịch Thượng viện Samdech Sai Chhum, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Samdech Hun Sen cùng nhiều quan chức Hoàng gia, Quốc hội, Thượng viện, Chính phủ và các đoàn khách mời quốc tế đã đến dự lễ khai mạc.
Năm nay lễ hội diễn ra từ ngày 2-4/11. Lễ đua thuyền được tổ chức vào ban ngày, trong khi vào các buổi tối, nhiều con thuyền được trang trí ánh sáng và đèn màu sẽ được thả trôi trên sông Tonle Sap cùng với các màn bắn pháo hoa. Lễ đua thuyền năm nay có sự tham dự của gần 300 ghe “Ngo” đến từ khắp các địa phương trên cả nước. Trong những ngày diễn ra lễ hội, hàng trăm nghìn người dân Campuchia và các du khách nước ngoài đã đổ về Phnom Penh, góp phần tạo thêm không khí cho ngày hội và các cuộc tranh tài của các tay bơi. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của Campuchia.
Sử sách Campuchia ghi lại rằng lễ hội đua thuyền truyền thống hàng năm của Campuchia được tổ chức nhằm đề cao khả năng thủy chiến của vương quốc này, đặc biệt từ thời Đế chế Angkor (từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XII), cũng như sự đa dạng của các phương tiện giao thông đường thủy. Lễ hội đua thuyền còn nhằm nâng cao sự dẻo dai, nhanh nhẹn của thanh niên tại các phum, sóc; đặc biệt là những cư dân sinh sống gần khu vực sông nước ở Campuchia.
Các đội tham gia lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Tonle Sap ngày 2/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Lễ hội đua thuyền còn nhằm đánh dấu sự kết thúc mùa mưa và chuyển sang mùa khô. Theo truyền thống của người Campuchia, thần Mặt Trăng có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ và điều tiết mùa màng nên trong lễ hội đua thuyền tiễn nước thì người Campuchia còn dâng lên thần Mặt Trăng những vật phẩm từ nông nghiệp do chính bàn tay họ làm nên như nếp, dừa, chuối, khoai…để cảm tạ thần Mặt Trăng đã ban cho một vụ mùa bội thu và cầu mong vụ mùa tới thành công hơn nữa.
Để đảm bảo an toàn cho lễ hội năm nay, Ban tổ chức đã huy động hơn 12.000 nhân viên an ninh để đảm bảo an ninh, trật tự. Đáng chú ý, lễ hội năm nay diễn ra trong bối cảnh Campuchia đang chuẩn bị cho hai cuộc bầu cử rất quan trọng vào năm tới là bầu cử Thượng viện, dự kiến tổ chức vào tháng 2 và Quốc hội, dự kiến vào tháng 7, trong khi đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập đang đứng trước nguy cơ bị giải thể và Chủ tịch đảng này, ông Kem Sokha đang bị tạm giam với cáo buộc phạm tội phản quốc. Do đó, công tác giữ gìn an ninh, trật tự được Campuchia thắt chặt hơn bao giờ hết.