Campuchia hy vọng mở cửa nền kinh tế trở lại

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Campuchia ghi nhận 9 ngày liên tục đầu tháng 10/2021 có số ca mắc COVID-19 ở mức thấp, chỉ quanh ngưỡng 200 ca/ngày và điều này thắp lên hy vọng về khả năng mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế và xã hội trong thời gian sớm nhất có thể.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thông báo ngày 9/10, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 23 người tử vong và 220 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 17 ca nhập cảnh và 203 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy tính đến ngày 9/10, Campuchia phát hiện tổng cộng 114.571 ca mắc COVID-19, trong đó có 107.376 người đã khỏi bệnh và 2.482 người tử vong.

Trước đó, tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Campuchia ngày 8/10, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun cho hay trong vòng 10-15 ngày tới, nếu Campuchia kiểm soát được số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 ở mức như hiện nay, đó là lúc mở cửa nền kinh tế và xã hội ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, cuộc sống bình thường mới có nghĩa là vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch. 

Trong diễn biến liên quan, chính quyền thủ đô Phnom Penh ngày 9/10 đã ra thông báo chi tiết về chiến dịch tiêm mũi tăng cường thứ ba cho người dân bắt đầu từ ngày 11/10 tới. Theo đó, người dân sẽ được tiêm mũi tăng cường miễn phí bằng vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) và phải sau mũi thứ hai ít nhất 4 tháng.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, nước này sẽ mở cửa đường biên giới và không yêu cầu cách ly với những người đã tiêm đủ vaccine từ 9 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đan Mạch, Hà Lan và Tây Ban Nha từ ngày 19/10 tới đây.

Tại cuộc họp báo chiều 9/10, Lực lượng đặc trách về COVID-19 cho biết cùng với việc mở rộng áp dụng cơ chế làn đi lại cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (VTL) với 9 quốc gia trên, Singapore sẽ giảm bớt các yêu cầu xét nghiệm PRC với người nhập cảnh.

Trước đây, khi thử nghiệm làn VTL với Đức và Brunei, Singapore yêu cầu xét nghiệm PRC tổng cộng 4 lần (1 lần trước khi khởi hành và 3 lần tại Singapore). Tuy nhiên, thời gian tới, những người nhập cảnh sẽ chỉ phải xét nghiệm PRC 2 lần, trước khi khởi hành và sau khi nhập cảnh tại sân bay.

Những người thăm ngắn hạn hoặc có thẻ thường trú dài hạn sẽ cần phải nộp hồ sơ đăng ký với Cơ quan Kiểm soát Nhập cảnh (ICA) và phải sử dụng các chuyến bay chỉ định của Singapore, đồng thời phải mua bảo hiểm du lịch với mức chi trả tối thiểu 30.000 đôla Singapore cho việc điều trị các bệnh liên quan tới COVID-19.

Singapore bắt đầu áp dụng làn đi lại VTL với Đức và Brunei từ 8/9 và tới nay đã có khoảng 3.100 người nhập cảnh nhưng chỉ có 2 ca nhiễm COVID-19. Đây là tiền đề quan trọng để giới chức Singapore quyết định mở rộng diện áp dụng VTL. Trước đó, ngày 8/10, Singapore và Hàn Quốc đã quyết định áp dụng VTL từ ngày 15/11 tới.

Tại thời điểm hiện nay, Singapore đang cho phép nhập cảnh không cách ly với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine từ Trung Quốc đại lục và các vùng lãnh thổ Hong Kong, Đài Loan, Ma Cao (đều của Trung Quốc); Đức và Brunei.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Phó Tổng thống Nicaragua Rosario Murillo vừa cho biết từ nay tới cuối năm 2021, quốc gia Trung Mỹ này sẽ tiếp nhận 7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ Cuba. 

Dự kiến vào cuối tháng 10, lô vaccine đầu tiên của Cuba gồm 1,2 triệu liều Soberana và Abdala sẽ tới Nicaragua, và tiếp đó vào tháng 11, Cuba sẽ chuyển cho Nicaragua 2 triệu liều vaccine Soberana và 1 triệu liều vaccine Abdala. Đợt giao hàng cuối cùng dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12, với 1,1 triệu liều vaccine Soberana Plus (loại vaccine chống biến chủng và là mũi thứ 3 sau 2 mũi tiêm Soberana) và 1,3 triệu liều vaccine Abdala.

Vào cuối tháng 9, Quốc hội Nicaragua đã bỏ phiếu thông qua cải cách luật ngân sách hàng năm, theo đề xuất của Tổng thống Daniel Ortega, cho phép nhập khẩu thêm số lượng vaccine để phòng dịch COVID-19, theo đó số lượng ngân sách bổ sung cho nhiệm vụ này trong phần còn lại của năm là gần 20 triệu USD.

Trang Nhung-Lê Dương- Lê Hà (TTXVN)
Tại sao các nước Bắc Âu hạn chế dùng vaccine COVID-19 của Moderna?
Tại sao các nước Bắc Âu hạn chế dùng vaccine COVID-19 của Moderna?

Trong mấy ngày gần đây, Phần Lan, Đan Mạch và Thụy Điển đồng loạt hạn chế dùng vaccine COVID-19 của Moderna cho người trẻ tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN