Cam kết của Liên minh châu Âu (EU) về cấm vận phần lớn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga đang khiến tổ chức này phải cấu trúc lại nền kinh tế vốn hoạt động dựa trên nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga. Giới chức cấp cao EU dự kiến sẽ chính thức ký kết lệnh trừng phạt trong vài ngày tới, tăng cấp độ trả đũa kinh tế của EU nhằm vào hành động can thiệp quân sự của Mosvka ở Ukraine.
Sau hai ngày hội nghị thượng đỉnh bất thường từ ngày 30-31/5 tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về nguyên tắc cắt giảm 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay, đồng thời giải quyết những bế tắc trong đàm phán với Hungary về gói trừng phạt.
Cụ thể, lệnh cấm vận dầu mỏ của EU nhằm vào Nga sẽ ngay lập tức được áp dụng đối với lượng dầu mỏ được vận chuyển qua đường biển. Mức cấm vận sẽ tăng lên 90% một khi Ba Lan và Đức, hai nước có kết nối với đường ống dẫn dầu Druzhba, ngừng nhập khẩu qua tuyến đường này vào cuối năm nay. Và 10% còn lại sẽ tạm thời được miễn cấm vận để Hungary cùng với Slovakia và CH Séc vẫn nhập khẩu được dầu thông qua tuyến đường ống vốn không dễ dàng thay thế này.
Hiện nay, hơn 60% lượng dầu của Nga mà EU nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển, khoảng 30% còn lại là thông qua đường ống dẫn dầu Druzhba. Lệnh trừng phạt này cũng sẽ chấm dứt phụ thuộc kéo dài nhiều thập kỉ qua của châu Âu vào nguồn dầu thô nhập khầu từ Nga dùng cho hoạt động kinh tế của EU, buộc khối này phải tìm kiếm nguồn dầu thô và sản phẩm dầu tinh chế thay thế.
Bước chuyển này cũng có thể sẽ làm nóng lạm phát toàn cầu vốn hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều chục năm qua tại các nền kinh tế lớn. Nó cũng làm tăng thiếu hụt nhiên liệu tại các khu vực nghèo khó hơn, do số này phải cạnh tranh với châu Âu để nhập khẩu dầu. Tỉ lệ lạm phát tại khu vực đồng tiên chung châu Âu (eurozone) trong tháng 5 đã lên mức 8,1%.
Ảnh hưởng đối với Nga là không nhỏ. EU hiện mỗi tháng phải bỏ ra khoảng 10 tỷ USD để nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm xăng dầu từ Nga. Việc chỉ xuất khẩu được bằng đường ống sang EU là tin không vui với Moskva. Bởi theo tính toán của giới chuyên gia, đến cuối năm nay dòng dầu thô từ Nga sang EU chỉ còn khoảng 500.000 thùng/ngày, bằng 20% so với thời điểm trước khi nổ ra xung đột Ukraine.
Về phần mình, châu Âu trong vài tháng gần đây đã đẩy nhanh nhập khẩu dầu thô từ các nguồn khác như Mỹ, Tây Phi, đồng thời giảm lượng nhập khẩu từ Nga. Đức – một nước EU phụ thuộc nhiều vào dầu thô Nga, đã giảm tỉ lệ này từ 35% trước cuộc chiến xuống còn 12% ở thời điểm hiện nay.
Thế nhưng việc tìm kiếm các nhà nhập khẩu mới cũng khiến EU phải chịu mức giá tăng thêm. Cuộc đua tìm nguồn cung ứng mới đẩy giá dầu thô phẩm cấp cao có nguồn gốc từ Tây Phi cho tói Azerbaijan lên mức cao chưa từng có. Khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa kiểm soát COVID-19, nhu cầu tiêu thụ từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trở lại, khiến châu Âu gặp khó khăn hơn trong cạnh tranh tìm kiếm nguồn cung.
Với châu Âu, thay thế dầu diesel nhập khẩu từ Nga còn khó khăn hơn so với việc tiếp cận nguồn cung dầu thô mới. Nguồn dầu diesel này nhiều khả năng sẽ được bổ sung từ Mỹ, Trung Đông hay Ấn Đọ, nhưng mức độ cung ứng cũng đang gặp khó khăn do tình trạng khan hiếm toàn cầu.