Các trường đại học Nhật Bản siết chặt biện pháp ngăn cản tà giáo dụ dỗ sinh viên

Kết quả một cuộc khảo sát của Kyodo News cho thấy phần lớn các trường đại học Nhật Bản đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn các giáo phái “len lỏi” trong khuôn viên trường dụ dỗ sinh viên sau 1 năm xảy ra vụ xả súng khiến cựu Thủ tướng Shinzo Abe thiệt mạng.

Chú thích ảnh
Các trường đại học Nhật Bản đã tăng cường các biện pháp chống lại các giáo phái tuyển dụng trong khuôn viên trường. Ảnh: Bloomberg

Theo hãng thông tấn, trong số 50 trường đại học tham gia khảo sát, có tới 56% trường cho biết họ đã tăng cường các bước để cảnh báo sinh viên về nguy cơ tham gia các giáo phái khi tranh cãi nổ ra sau khi cựu Thủ tướng Abe bị bắn chết vào ngày 8/7/2022.

Trong lời khai sau khi bị bắt giữ, hung thủ Tetsuya Yamagami đã nói rằng hắn ta giết cựu lãnh đạo vì nghi ngờ ông có mói liên hệ với giáo phái Nhà thờ Thống nhất. Mẹ của Yamagami đã quyên góp rất nhiều cho giáo phái, khiến gia đình rơi vào cảnh khốn cùng về tài chính và sứt mẻ về tình cảm.

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 6 trên 65 trường đại học với hơn 10.000 sinh viên, 16 trường đại học cho biết họ đã đưa ra các cảnh báo trên bảng thông báo và 14 trường cho biết họ đã phát tờ rơi cảnh báo sinh viên. 12 trường đã có những bài thuyết giảng về các giáo phái trong khi 11 trường tăng cường tuần tra để ngăn chặn việc chiêu mộ tín độ trong khuôn viên trường.

Bảy trường đại học đã thêm các cảnh báo vào hướng dẫn của họ dành cho sinh viên mới và hai trường đã tăng cường các biện pháp chia sẻ thông tin với cảnh sát.

Các tân sinh viên được cho là những đối tượng đặc biệt mà các giáo phái nhắm đến vì các em không có nhiều kinh nghiệm trước cám dỗ.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát cho thấy gần 80% các trường đại học gặp khó khăn trong việc nắm bắt tình hình, với 9 trường nói rằng họ không hiểu hết mức độ tham gia của sinh viên đối với các giáo phái và 29 trường nói rằng họ chỉ nắm được một phần.

Các hình thức chiêu mộ trước đây của các giáo phái thường thông qua việc gọi điện trực tiếp cho sinh viên hoặc giả vờ là một câu lạc bộ sinh viên. Nhưng các hình thức này đã trở nên mơ hồ khi ngày càng có nhiều phương tiện truyền thông xã hội.

Ban quản lý một trường đại học nói rằng họ không thể làm bất cứ điều gì cho đến khi một sinh viên liên hệ yêu cầu giúp đỡ.

Một trường đại học khác nói rằng họ phản ứng dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của sinh viên, bạn bè hoặc người giám hộ, và có giới hạn để hiểu chính xác tình hình.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy các trường đại học lúng túng, không biết phải hành động như thế nào vì sợ vi phạm quyền tự do tôn giáo. Một trường đại học cho biết rất khó để cấm một tổ chức cụ thể, trong khi một trường khác nói rằng họ có khả năng bị kiện nếu sinh viên là tín đồ thế hệ thứ hai của các giáo lý sùng bái.

Takashi Uriu (49 tuổi) đã tham gia một giáo phái Phật giáo trong vòng 12 năm kể từ năm 1993. Ông tiết lộ thường tuyển tín đồ mới bằng cách giả làm giảng viên đại học hoặc thành lập các câu lạc bộ sinh viên giả mạo.

Ông cảnh báo các giáo phái hiện đang nhắm mục tiêu vào học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Japan Times)
Theo giáo phái nhịn ăn, trên 100 người Kenya chết đói
Theo giáo phái nhịn ăn, trên 100 người Kenya chết đói

Số người thiệt mạng vì theo giáo phái “nhịn ăn đến chết” tại Kenya đã lên tới 103 nạn nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN