Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về một chiến dịch mang cảm hứng từ chính sách hạn chế viện trợ từng được Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng.
Các tổ chức NGO tại Brussels hiện có lực lượng vận động hành lang lớn thứ hai chỉ sau giới doanh nghiệp. Trong nhiều tháng qua, họ đã vướng vào các tranh cãi căng thẳng với các nghị sĩ bảo thủ về việc sử dụng ngân sách của EU cho các hoạt động vận động chính sách.
Căng thẳng leo thang từ đầu tháng 4 khi Ủy ban châu Âu thừa nhận một số hợp đồng tài trợ dành cho các tổ chức NGO có bao gồm các hoạt động bị coi là “vận động hành lang không chính đáng”, xác nhận các cáo buộc từ đảng Nhân dân châu Âu (EPP). Tòa án Kiểm toán châu Âu sau đó công bố báo cáo chỉ trích hệ thống giám sát tài chính lỏng lẻo của Ủy ban. Tiếp đó, các nghị sĩ châu Âu đã thông qua các sửa đổi kêu gọi tăng cường kiểm soát đối với việc sử dụng ngân sách tài trợ cho xã hội dân sự.
Một số tổ chức NGO bày tỏ quan ngại rằng các động thái gần đây có thể ảnh hưởng đến vai trò và hoạt động của xã hội dân sự tại Brussels. Bà Faustine Bas-Defossez, Giám đốc Cục Môi trường châu Âu (EEB), nhận định tình hình hiện nay gây nhiều áp lực và lo ngại trong cộng đồng NGO, đồng thời cho rằng các tổ chức này đang phải ứng phó với những chỉ trích mang tính hệ thống.
Ông Nicholas Aiossa, Giám đốc tổ chức Minh bạch Quốc tế tại EU, nhận định các nhóm trung hữu và cực hữu đang tiến hành “các cuộc tấn công lấy cảm hứng từ phong trào MAGA” - khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump - nhằm mục tiêu cuối cùng là cắt giảm hoặc xóa bỏ nguồn tài trợ công dành cho các NGO.
Một số diễn biến gần đây cho thấy lo ngại của các tổ chức NGO không phải là không có cơ sở. Tuần trước, theo báo Politico, nhiều tổ chức NGO hoạt động trong lĩnh vực y tế đã được Ủy ban châu Âu thông báo rằng họ sẽ không nhận được khoản tài trợ hoạt động nào trong năm nay. Thông tin này đã khiến 28 tổ chức cùng ký tên trong một bức thư khẩn gửi tới Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen để yêu cầu giải thích rõ ràng.
Trong khi đó, nhiều tổ chức NGO hoạt động trong lĩnh vực môi trường - vốn phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ Quỹ LIFE của EU - đã phải thu hẹp hoặc tạm dừng các hoạt động vận động để đảm bảo tuân thủ điều kiện nhận tài trợ.
Mối quan tâm lớn nhất hiện nay xoay quanh vòng đàm phán ngân sách dài hạn của EU - khung tài chính dài hạn (MFF) - vốn sẽ quyết định các ưu tiên chi tiêu của EU trong bảy năm tới. Các tổ chức NGO lo ngại rằng các quỹ vốn dành cho nghiên cứu, biến đổi khí hậu và môi trường có thể bị cắt giảm để chuyển sang các ưu tiên mới như quốc phòng và công nghiệp.
Trong giai đoạn 2021-2023, EU đã cam kết khoảng 7,4 tỷ euro tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ, thông qua các chương trình trực tiếp hoặc qua các chính phủ thành viên. Nhiều tổ chức phụ thuộc phần lớn vào nguồn kinh phí này để duy trì hoạt động.
Hiện có hơn 3.800 tổ chức phi chính phủ được đăng ký trong Sổ đăng ký minh bạch của EU - con số chỉ thấp hơn một chút so với số lượng doanh nghiệp đăng ký và cao hơn đáng kể so với các hiệp hội ngành nghề. Sự hiện diện đông đảo này góp phần thúc đẩy các chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền con người và minh bạch tài chính - những chủ đề thường đối mặt với sự phản đối từ các nhóm lợi ích bảo thủ và thân doanh nghiệp.
Ủy ban châu Âu đã ra thông báo yêu cầu các tổ chức NGO không được sử dụng ngân sách công cho các hoạt động vận động hành lang. Tuy nhiên, động thái này không làm dịu đi áp lực từ các nghị sĩ bảo thủ, những người tiếp tục kêu gọi siết chặt kiểm soát ngân sách.
Bà Carlotta Besozzi, Giám đốc tổ chức Civil Society Europe, cho rằng toàn bộ chiến dịch hiện nay là bước chuẩn bị cho việc cắt giảm nghiêm trọng nguồn tài trợ cho xã hội dân sự trong chu kỳ ngân sách tiếp theo. Bà cảnh báo về một “bầu không khí căng thẳng gia tăng”, trong bối cảnh các đảng cực hữu gia tăng số ghế tại Nghị viện châu Âu.
Theo bà Besozzi, nếu ngân sách công bị cắt giảm, tiếng nói của xã hội dân sự sẽ bị lu mờ trước các nhóm vận động giàu có, đồng thời làm suy yếu vai trò giám sát và phản biện của các tổ chức dân sự và báo chí độc lập đối với các thể chế EU.
Về phía đảng EPP, các đại diện khẳng định không có kế hoạch chấm dứt tài trợ cho các NGO. Nghị sĩ Tomas Zdechovsky cho biết mục tiêu là tăng cường minh bạch và rà soát khoảng 20 đến 25 tổ chức bị nghi ngờ sử dụng sai mục đích ngân sách.
Tuy nhiên, các tổ chức NGO tỏ ra không tin tưởng vào những cam kết đó. Bà Bas-Defossez từ EEB cho biết: “Đúng vậy, chúng tôi lo lắng. Rủi ro hiện tại quá lớn để có thể yên tâm”.