Các nước EU không đạt được đồng thuận về lệnh cấm dầu mỏ Nga

Sau hơn 10 ngày đàm phán, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn không đạt được đồng thuận đối với đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong đó Hungary dẫn đầu nhóm các nước phản đối biện pháp này.

Chú thích ảnh
Đường ống dẫn khí đốt tại một trạm truyền dẫn ở Werne, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giải quyết tình huống này. Tôi không thể đảm bảo rằng lệnh cấm sẽ xảy ra bởi các lập trường đều khá mạnh mẽ”.

Đề xuất cấm vận nhập khẩu mặt hàng dầu thô là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 của phương Tây nhằm vào nền kinh tế của Nga sau khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Ông Borrell thừa nhận rằng một số quốc gia thành viên EU – có vị trí địa lý sâu trong đất liền - sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn vì phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Những nước chịu phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, trong đó có Hungary, Séc, Slovakia và Bulgaria, đã nhiều lần lên tiếng phản đối lệnh cấm kể trên. Chính phủ Hungary khẳng định lệnh cấm vận đó sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế nước này.

Tuần trước, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói rằng khối EU đã thất bại trong việc tìm ra cách giảm thiểu thiệt hại từ lệnh cấm vận.

Kể từ cuối tháng 2, các nước phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga. Các hình phạt bao gồm cấm nhập khẩu than, đóng băng tài sản, đóng cửa không phận, đưa các doanh nghiệp vào danh sách đen...

Bên cạnh việc cấm máy bay của EU bay vào không phận của mình, động thái đáp trả của Nga cho đến nay chủ yếu giới hạn ở các lệnh trừng phạt nhằm vào một số công ty liên quan đến việc tịch thu tài sản của Nga và yêu cầu các quốc gia không thân thiện phải thanh toán hợp đồng nhập khẩu khí đốt tự nhiên bằng đồng rúp.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo RT)
Khủng hoảng năng lượng làm suy yếu tăng trưởng, leo thang lạm phát ở EU
Khủng hoảng năng lượng làm suy yếu tăng trưởng, leo thang lạm phát ở EU

Xung đột tại Ukraine đã tạo ra những thách thức về tăng trưởng và lạm phát đối với Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN