Các nước dồn sức chống khủng bố IS

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép nước này dùng hành động quân sự chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nội các Australia cũng cho phép triển khai lực lượng đặc biệt và không kích IS ở Iraq. Như vậy, liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu ngày càng được nhiều quốc gia ủng hộ với quyết tâm quét sạch nhóm khủng bố này.


Đề xuất được quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ gồm 550 thành viên thông qua với 298 phiếu thuận và 98 phiếu chống, theo đó cho phép Thổ Nhĩ Kỳ triển khai lực lượng vũ trang ở cả Syria và Iraq cũng như cho lực lượng nước ngoài sử dụng lãnh thổ để thực hiện chiến dịch chống lại IS.

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong phiên họp quốc hội tại thủ đô Ankara ngày 1/10.Ảnh: AFP/TTXVN


Mỹ từ lâu đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ cho máy bay Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở miền nam để không kích IS ở Syria. Hiện vẫn chưa rõ Thổ Nhĩ Kỳ có cho phép trung chuyển vũ khí sát thương qua lãnh thổ của mình hay không, hay chỉ cho phép trung chuyển viện trợ nhân đạo và quân nhu phi sát thương. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hối thúc phương Tây tìm giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở Syria và Iraq vì thả “hàng tấn bom” xuống IS sẽ chỉ là biện pháp trì hoãn tạm thời bước tiến của chúng.


Mỹ đã hoan nghênh quyết định của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki hi vọng tăng cường hợp tác giữa các quan chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, Iran lại cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được gây thêm căng thẳng trong khu vực.


Trong khi đó, Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết nội các nước này đã cho phép không kích ở Iraq theo đề nghị của chính phủ Iraq. Ngoài ra, nội các cũng cho phép triển khai lực lượng đặc biệt Australia vào Iraq để cố vấn và hỗ trợ lực lượng Iraq. Khoảng 200 binh sĩ, trong đó có binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt, đã vào Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hồi giữa tháng 9 để chuẩn bị gia nhập chiến dịch do Mỹ dẫn đầu. Họ được máy bay không quân cũng xe tăng và máy bay vận tải hậu thuẫn. Thủ tướng Abbott nhấn mạnh lực lượng đặc biệt Australia sẽ không tham gia trực tiếp vào nhiệm vụ chiến đấu mà sẽ giúp lực lượng Iraq lên kế hoạch và điều phối chiến dịch chống IS. Binh sĩ Australia cũng sẽ hoạt động ở quy mô nhỏ hơn nhiều so với các đồng minh khác.


Trước Thổ Nhĩ Kỳ và Australia, nhiều nước đã tham gia liên minh chống IS của Mỹ và đã triển khai những hành động cụ thể. Canada cử hàng chục binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt tới Iraq để cố vấn cho binh sĩ Iraq. Anh liên tiếp không kích mục tiêu của IS tại Iraq.


Trong khi đó, ngày 2/10, Mỹ tiếp tục oanh tạc các mục tiêu khủng bố. Ở Syria, lựclượng Mỹ đã phá hủy một chốt kiểm soát của nhóm này gần thành phố Kobane đang bị IS bao vây và đánh trúng 2 xe tăng. Tại Iraq, nhiều xe cộ của IS và một tòa nhà của phiến quân cũng bị không kích.


Tuy nhiên, phiến quân IS vẫn giành được thế chủ động trong cuộc chiến với các tay súng người Kurd ở thành phố Kobane. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria sợ rằng IS có thể tiến vào thành phố Kobane rất sớm. Một quan chức người Kurd ở Syria tên là Idris Nahsen cho biết IS đang tiến gần hơn, chỉ cách thành phố 2 hoặc 3 km tại một số khu vực. Trong khi IS được trang bị vũ khí hạng nặng, có súng đại bác, rocket tầm xa và xe tăng thì lực lượng người Kurd chỉ có vũ khí đơn giản. Chiếm được Kobane sẽ là một chiến thắng lớn với IS, đặc biệt sau khi mất quyền kiểm soát một số điểm dọc biên giới Syria-Iraq.


Thùy Dương

Trung Quốc sẵn sàng cùng Mỹ đối phó mối đe dọa khủng bố
Trung Quốc sẵn sàng cùng Mỹ đối phó mối đe dọa khủng bố

Bắc Kinh phản đối mọi hình thức khủng bố và sẵn sàng hợp tác với Mỹ để đối phó với mối đe dọa khủng bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN