Saudi Arabia, Bahrain, UAE và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Ảnh: CNN |
Một nguồn tin giấu tên khẳng định rằng "Qatar đã đi quá xa trong các vấn đề khu vực và đã đến lúc phải gửi một thông điệp rõ ràng tới Doha rằng không thể tiếp tục các chính sách khu vực mà không phải đối mặt với những hậu quả". Trong khi đó, một nguồn tin cao cấp của Chính phủ Ai Cập nói rằng "tất cả các lựa chọn đều được bỏ ngỏ" và đang được cân nhắc. Các cuộc họp và tham vấn tiếp theo giữa các nước Arập đang được xúc tiến để quyết định các bước đi tiếp theo.
Ngày 5/6, Ai Cập, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Bahrain, Yemen và Chính phủ miền Đông Libya và Maldives đã đồng loạt tuyên bố đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Chính quyền Doha đã lên tiếng bày tỏ "lấy làm tiếc" và coi các quyết định này là "vô lý", dựa trên những cáo buộc "vô căn cứ". Động thái này diễn ra sau khi Cairo, Riyadh và Abu Dhabi thông báo quyết định ngăn chặn một số kênh truyền hình vệ tinh, các trang tin tức và một số tờ báo được tài trợ hoặc đặt trụ sở tại Qatar. Ba quốc gia trên nói rằng các phương tiện truyền thông chịu các lệnh phong tỏa vì có liên quan đến việc truyền bá chủ nghĩa khủng bố và kích động bất ổn chính trị.
Trước đó, hãng thông tấn quốc gia Qatar và kênh truyền hình nhà nước Qatar TV đã đăng tải tuyên bố của Tiểu vương Qatar Tamim Bin Hamad Al Thani cho thấy sự dính líu của Saudi Arabia và UAE trong các giao dịch bất hợp pháp ở khu vực với Mỹ. Tuy nhiên, Doha cho biết các tuyên bố này đã được dàn dựng và công bố lên hãng thông tấn quốc gia khi trang web của hãng bị tấn công. Qatar cáo buộc rằng chiến dịch truyền thông chống nước này được đưa ra bởi kênh truyền hình vệ tinh Al-Arabiya của Saudi Arabia và kênh vệ tinh Sky News Arabia của UAE.
Saudi Arabia và UAE đã bày tỏ phản đối sau khi Qatar chỉ trích các phát ngôn của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) chống Iran và tuyên bố chống lại các phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm chính thức Trung Đông và Vùng Vịnh mới đây. Sau khi xảy ra tranh cãi gay gắt trên, Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã quyết định chặn các trang web của hãng truyền hình Qatar Al Jazeera. Qatar cũng đã phải đối mặt với những chỉ trích trên các kênh truyền hình của Ai Cập và Bahrain vì "những nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ" của các quốc gia Arab - phần lớn được cho là đại diện cho Iran.
Ai Cập từ lâu chỉ trích Qatar vì đã "chứa chấp" các thủ lĩnh của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và cho phép họ tiếp cận với các phương tiện truyền thông. Các nguồn tin ngoại giao cho rằng đây là "sự can thiệp của Qatar vào công việc nội bộ của các nước Arập", và đó là lý do thúc đẩy các động thái chống lại Qatar, bắt đầu bằng việc ngăn chặn các kênh truyền hình, báo chí và sau đó là chấm dứt quan hệ ngoại giao.
Ủy ban trên, gồm đại diện các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Nội vụ, Lao động và Di trú, sẽ thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình và đưa ra các giải pháp liên quan đến công dân Ai Cập làm việc trong khu vực công và tư nhân của Qatar. Chủ tịch Hội Người Ai Cập tại Qatar, ông Mohamed El-Iraqi cho biết: "Ước tính có khoảng 300.000 công dân Ai Cập đang cư trú chính thức tại Qatar. Cộng đồng người Ai Cập tại Qatar hiện đang rất lo lắng và cảm thấy bất an".