Theo cảnh sát, vụ xả súng xảy ra ngày 15/7 đã khiến ít nhất 6 người thiệt mạng (trong đó có 4 người Pakistan, 1 người Ấn Độ và 1 cảnh sát Oman) và 28 người bị thương. Cuộc tấn công khủng bố tại vương quốc Hồi giáo này vốn nằm trong số những nước ổn định nhất ở Trung Đông đã khiến cho các nước láng giềng lo lắng. Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã nhận thực hiện vụ tấn công, đánh dấu hoạt động đầu tiên được biết đến của nhóm này tại Oman.
Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) láng giềng đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ những hành vi tội phạm và bạo lực, lên án cuộc tấn công làm suy yếu an ninh và ổn định đồng thời gây nguy hiểm cho cuộc sống của người dân Oman. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Bahrain gọi vụ xả súng là cuộc tấn công tàn ác đi ngược lại mọi giá trị tôn giáo và đạo đức, đồng thời nhằm gây bất ổn cho an ninh và ổn định của Oman.
Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Jasem al-Budaiwi, bày tỏ rằng các nước thành viên hội đồng luôn ủng hộ và đoàn kết với Oman. Chính phủ Saudi Arabia đánh giá cao "tốc độ và hiệu quả" xử lý vụ việc của Chính phủ Oman.
Các phần tử Hồi giáo cực đoan dòng Sunni của IS đã nhận thực hiện vụ việc. Trước đó, nhóm này cũng đã nhận thực hiện các vụ tấn công tương tự nhằm vào các đền thờ Hồi giáo của người Shi’ite ở Kuwait và Saudi Arabia vào năm 2015. Các chiến binh thánh chiến cũng nhận thực hiện 2 vụ đánh bom ở Iran, chủ yếu nhằm vào người Hồi giáo dòng Shiite vào tháng 1/2024 khiến gần 100 người thiệt mạng.
IS từng kiểm soát các vùng rộng lớn ở Iraq và Syria trước khi bị đẩy lùi vào năm 2019. Dù vậy, từ đó đến nay, nhóm này vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và nhân viên an ninh ở cả hai nước.