Theo các nguồn thạo tin, phía nhà đầu tư đang làm việc với các cố vấn pháp lý để nghiên cứu các lựa chọn của họ. Hiện chưa rõ liệu nhóm các nhà đầu tư này có kiện OpenAI hay không.
Các nhà đầu tư lo lắng rằng hàng trăm triệu USD đầu tư vào OpenAI –“viên ngọc quý” trong một số danh mục đầu tư của họ - có thể chịu tổn thất nặng nề trước khả năng sụp đổ của công ty khởi nghiệp nổi tiếng nhất trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang phát triển nhanh chóng.
Sau quyết định của hội đồng quản trị về sa thải ông Altman vào ngày 17/11, đến ngày 20/11, hầu hết trong số hơn 700 nhân viên của OpenAI cảnh báo sẽ nghỉ việc trừ khi công ty thay thế hội đồng quản trị.
Điều khiến trường hợp này trở nên bất thường đối với các nhà đầu tư mạo hiểm là OpenAI thuộc quyền kiểm soát của công ty mẹ phi lợi nhuận OpenAI Nonprofit. Công ty này được tạo ra để mang lại lợi ích cho "nhân loại, không phải các nhà đầu tư OpenAI".
Kết quả là các nhân viên có nhiều sức ảnh hưởng hơn so với những nhà đầu tư mạo hiểm đã rót vốn vào doanh nghiệp đã tuyển dụng và trả lương cho các nhân viên này.
Microsoft sở hữu 49% cổ phần của OpenAI. Các nhà đầu tư và nhân viên khác kiểm soát 49% cổ phần, trong khi 2% cổ phần thuộc sở hữu của công ty mẹ phi lợi nhuận của OpenAI.
Sau khi ông Altman rời OpenAI, Microsoft ngày 20/11 thông báo công ty này đã mời cựu CEO cùng các thành viên cùng đội ngũ của ông này về làm việc. Về phía OpenAI, truyền thông Mỹ ngày 19/11 đưa tin công ty đã lựa chọn ông Emmett Shear làm CEO mới thay thế ông Altman.
Ông Altman, 38 tuổi, đã trở thành "hiện tượng" trong thế giới công nghệ khi ứng dụng ChatGPT ra mắt năm 2022 tạo cơn sốt với những khả năng chưa từng có, như sáng tạo các bài thơ hoặc tác phẩm nghệ thuật chỉ trong vài giây. ChatGPT đã khơi mào một cuộc đua AI giữa những công ty công nghệ lớn. Microsoft cũng đã đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI và đưa công nghệ của công ty vào các sản phẩm của mình, bao gồm cả công cụ tìm kiếm Bing.