Châu Âu có thể là nơi dễ bị tổn thương nhất trước cú sốc kinh tế rộng lớn từ căng thẳng tại Ukraine. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 10/3 đã tuyên bố rằng tăng trưởng kinh tế khu vực này có thể chịu tác động theo dự kiến. Dù vậy, điều đó vẫn không đủ để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách “phớt lờ” tình trạng giá tăng ở mức kỷ lục trên toàn Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Trong một động thái gây bất ngờ, ECB đã đẩy nhanh việc kết thúc một trong những chương trình mua trái phiếu thời đại dịch quan trọng nhất của mình. Đồng thời, ngân hàng này cũng “mở đường” cho khả năng tăng lãi suất vào cuối năm nay.
Tại cuộc họp báo cùng ngày, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết nền kinh tế có thể vượt qua cú sốc từ căng thẳng địa chính trị và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, trong khi vẫn đảm bảo mức tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022. Bà nhận định đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy tình trạng gián đoạn nguồn cung giảm bớt. Trong khi đó, tác động của cú sốc giá năng lượng đối với người dân có thể hạn chế phần nào thông qua việc sử dụng khoản tiền tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch.
Câu chuyện tương tự cũng xuất hiện ở Mỹ và các nơi khác, giữa lúc các quan chức cân nhắc những rủi ro kinh tế đột ngột xuất hiện trước sự gia tăng bất ngờ của lạm phát kéo dài khi các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại sau đại dịch, cũng như ảnh hưởng từ tình hình Ukraine.
Căng thẳng Nga - Ukraine đã gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu, đẩy một vài chỉ số đo lường căng thẳng trên thị trường tài chính lên cao. Đáng chú ý nhất là cuộc xung đột đã đưa giá dầu tăng phi mã.
Tuy nhiên, tới hiện tại chưa có vấn đề nào trong số nêu trên là mang tính hệ thống. Fed và các quan chức ngân hàng trung ương khác cho biết họ tin tưởng rằng thị trường vẫn có những điểm chốt phù hợp, trong khi các chỉ số về căng thẳng thị trường không tăng nhiều hơn so với các cú sốc tài chính trước đó. Giá dầu cũng đã có sự điều chỉnh, với giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao dịch hôm 10/3 ở mức khoảng 107 USD/thùng, giảm khá sâu so với mức 130 USD/thùng hồi đầu tuần.
Giữa bối cảnh như vậy, các ngân hàng trung ương vẫn tập trung vào lạm phát – vốn đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%.
Ngân hàng trung ương Canada đã tăng lãi suất vào đầu tháng này. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Fed dự kiến sẽ có động thái tương tự vào tuần tới. Các ngân hàng trung ương trên đây đều dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong những tháng tới.
Ngay cả các quan chức chuyên xây dựng chính sách tài khóa – những người thường nhạy cảm hơn với tính chính trị của các diễn biến kinh tế và cổ vũ các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ - cũng nhận thức sâu sắc về khả năng “bào mòn” của việc giá tăng quá nhanh.
Trong một phỏng vấn mới đây với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận lạm phát tăng cao đã ảh hưởng nặng nề đến người Mỹ, khiến các cá nhân và doanh nghiệp đều đều thận trọng hơn trong việc mở hầu bao.
Số liệu mới nhất của Mỹ mới công bố hôm 10/3 cho thấy giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 2/2022 đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu mức tăng cao nhất trong 40 năm qua. Các nhà đầu tư hiện kỳ vọng Fed sẽ nâng mục tiêu lãi suất lên mức từ 1,75% đến 2% vào cuối năm nay, cao hơn 0,25 điểm phần trăm so với dự kiến của họ vào tuần trước.
Một ngoại lệ trong số các ngân hàng trung ương lớn là Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Căng thẳng Nga - Ukraine cũng sẽ thúc đẩy áp lực lạm phát ở đó. Nhưng vì đà phục hồi sau đại dịch của Nhật Bản tỏ ra kém hơn so với các nền kinh tế tiên tiến khác, việc BoJ thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ chưa thể sớm xảy ra.