Các lực lượng của Trung Quốc can dự ở Biển Đông

Để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong tại thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã duy trì một lực lượng lớn các tàu, máy bay thuộc nhiều lực lượng khác nhau ở vùng biển này.

1. Ngư chính

Tàu Ngư chính 310 của Trung Quốc có trang bị trực thăng.


Đây là lực lượng chấp pháp lớn nhất của Trung Quốc tại những vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, thuộc Tổng cục Ngư nghiệp/Bộ Nông nghiệp. Nhiệm vụ của Ngư chính là giám sát đánh bắt thủy sản, bảo vệ tàu cá, các cấu trúc xây dựng trên biển, rạn, ghềnh đá; cản phá tàu nước ngoài đánh bắt tại các vùng biển bị coi là có “xâm phạm”.

Dưới Tổng cục Ngư nghiệp là các Cục địa phương trực thuộc. Trong số này có Cục Ngư nghiệp Hải Nam, Ngư chính Hải Nam - lực lượng thường xuyên gây ra những vụ quấy rối liên quan đến tranh chấp với Việt Nam và Philippines. Trong một thập kỉ qua, Ngư chính được đầu tư mạnh, với nhiều tàu tuần tra đóng mới, tàu quân sự cải hoán.

2. Hải giám

Hải giám thuộc Cơ quan Hải dương Quốc gia, là một lực lượng chấp pháp trên biển nòng cốt của Trung Quốc. Hải giám được thành lập năm 1998, với chức năng chính là thực thi chấp pháp trên biển, bảo đảm an ninh hàng hải tại các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Hải giám là lực lượng bán vũ trang, được trang bị nhiều tàu tuần tiễu, trực thăng. Đây chính là lực lượng “tích cực nhất” trong vụ suýt gây ra đụng độ với tàu USNS Impeccable (Mỹ) hồi năm 2009, cũng như tranh chấp tại bãi cạn Scarborough với Philippines (2012).

3. Hải cảnh

Lực lượng này tiền thân là một bộ phận của Biên phòng Trung Quốc thuộc Bộ An ninh. Năm 2013, Hải cảnh được sáp nhập vào Cơ quan Hải dương Quốc gia. Nhiệm vụ của Hải cảnh là tuần tra các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và bờ biển, bảo vệ môi trường biển, các nguồn tài nguyên, tham gia việc tìm kiếm và cứu nạn…

Tàu hải cảnh Trung Quốc hung hăng phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam


Là lực lượng mới, Hải cảnh Trung Quốc được đầu tư mạnh về phương tiện, trang bị, với nhiều tàu tuần tra lượng choán nước 4.000-5.000 tấn. Trung Quốc cũng đang đóng mới tàu tuần tra lớn nhất thế giới, lượng choán nước 10.000 tấn và sẽ biên chế tàu này cho Hải cảnh.

4. Các chính quyền địa phương

Chủ yếu là 3 tỉnh duyên hải là Hải Nam, Quảng Đông và Quảng Tây. Đây là những địa phương giáp Biển Đông, có can dự ở nhiều cấp độ khác nhau trong những tranh chấp ở vùng biển này. Chính quyền 3 tỉnh trên đều muốn thúc đẩy các hoạt động kinh tế, nhất là du lịch và đánh bắt hải sản ở những vùng có tranh chấp. Hải Nam tỏ ra là địa phương “xông xáo” nhất trong việc làm này, với việc thường cho ban hành lệnh “cấm đánh bắt cá” ở Biển Đông nhằm vào nhiều nước trong khu vực.

5. Hải quân Trung Quốc

Dù đẩy mạnh hiện diện ở Biển Đông trong những năm gần đây, nhưng hải quân Trung Quốc (PLAN) lại ít khi lộ diện trong các tranh chấp ở vùng biển này. Khi xảy ra vụ việc, các lực lượng chấp pháp dân sự, bán vũ trang sẽ can dự trước. Hạm đội Nam Hải, một thời được xem là yếu kém nhất của PLAN, hiện đã được đầu tư mạnh, trở thành hạm đội hùng hậu, vượt cả hạm đội Đông Hải. Đây được xem là lực lượng then chốt giúp Trung Quốc thể hiện “sức mạnh quân sự” trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

6. Bộ Ngoại giao

Là cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết những tranh chấp về mặt ngoại giao, đưa ra các định hướng chính sách và hướng lái hoạt động của các cơ quan khác ở những vùng biển tranh chấp.

7. Các công ty dầu khí

Giàn khoan Hải Dương 981 của CNOOC hạ đặt trái phép trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


Đây là những thực thể quan trọng, ngầm mang tính chất đại diện nhà nước trong vấn đề Biển Đông. Nổi bật trong số đó là Tập đoàn dầu khí Quốc gia (CNPC), Tổng công ty Hóa dầu (Sinopec) và Tổng công ty dầu khí Hải dương (CNOOC). Can dự chủ yếu của những tập đoàn này là tìm cách hiện diện mạnh mẽ hơn tại các vùng biển tranh chấp, thông qua việc chào thầu các lô dầu khí. Năm 2012, chính CNOOC đã mời thầu 9 lô trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Việc CNOOC hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông vừa qua cũng là biểu hiện khác của tính chất đại diện này.

8. Các cơ quan khác:

- Tổng cục Du lịch: Với nhiệm vụ phát triển du lịch, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thông qua các dự án đầu tư ở Hoàng Sa, khuyến khích khách nội địa đi du lịch ở những điểm này, như là cách thức để tuyên truyền về cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc”.

- Cục chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan: Cũng là một đầu mối chấp pháp, chủ yếu là hoạt động chống buôn lậu trên biển. Cục này thường xuyên phối hợp với các cơ quan khác trong việc giám sát, kiểm tra tàu thuyền.

- Cơ quan an toàn hàng hải: Trực thuộc Bộ Giao thông, chịu trách nhiệm chính trong các vấn đề vận tải hàng hải ở Biển Đông. Từ năm 2006 trở lại đây, lực lượng này cũng được đầu tư mạnh mẽ về trang bị, vật chất, với nhiều tàu có lượng choán nước trên 1.000 tấn, cá biệt có tàu "Hải tuần 11" lượng choán nước lên đến 3.249 tấn.


Hoài Thanh (Tổng hợp)

Tàu CSB, Kiểm ngư bảo vệ tàu cá VN đánh bắt gần giàn khoan 981
Tàu CSB, Kiểm ngư bảo vệ tàu cá VN đánh bắt gần giàn khoan 981

Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển, ngày 14/5/2014, xung quanh khu vực giàn khoan Hải Dương - 981, các tàu quân sự Trung Quốc và các lực lượng bảo vệ giàn khoan cơ bản như ngày 13/5. Đặc biệt, tại hiện trường, số lượng tàu cá vỏ sắt Trung Quốc tăng từ 15 chiếc lên 40 chiếc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN