Với điều kiện vệ sinh hạn chế và không gian nhỏ hẹp, hàng triệu cư dân sống chen chúc trong các khu ổ chuột ở Mỹ Latinh không thể thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 và quy định giãn cách xã hội cơ bản nhất được các cơ quan y tế khuyến nghị.
“Chúng tôi ngày càng lo lắng cho những người nghèo và nhóm người dễ bị tổn thương khác có nguy cơ mắc bệnh và tử vong vì COVID-19”, bà Carissa Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế Pan American, cho biết trong tuần này.
Khi dịch bệnh tiếp tục lây lan phức tạp và khiến Brazil, Peru và Chile trở thành các ổ dịch mới, các chuyên gia cảnh báo tình hình khu vực Mỹ Latinh đang xấu đi nhanh chóng.
Bà Dalia Maimon, nhà kinh tế học Brazil thuộc Đại học Liên bang Rio de Janeiro, ước tính có 54% người lao động làm việc trong các ngành nghề không chính thức trong khu vực này. Khi đại dịch kéo đến, các cư dân khu ổ chuột buộc phải đứng trước sự lựa chọn “chết vì đói hay chết vì nhiễm virus”.
Bà Maimon cho biết người dân trong khu ổ chuột đều có suy nghĩ phổ biến như “nếu không muốn chết vì đói, họ sẽ phải ra ngoài làm việc và cố gắng không bị nhiễm virus”.
Cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ trở nên trầm trọng hơn khi việc phong tỏa đã khiến hàng triệu người Mỹ Latinh không thể ra ngoài kiếm kế sinh nhai. Chính phủ Brazil cho biết hôm 29/5, chỉ riêng ở quốc gia này, đã có 5 triệu người mất việc kể từ khi đại dịch bùng phát.
“Chúng tôi là công nhân xây dựng, những người bán hàng rong. Chúng tôi phải ra ngoài mỗi ngày để kiếm sống. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa đã thay đổi mọi thứ. Chúng tôi đã trở thành những người thất nghiệp. Chúng tôi thậm chí không nhận được hỗ trợ nào từ chính phủ. Họ tin rằng chúng tôi có thể sống mà không cần tiền. Nhưng làm thế nào chúng tôi có thể mua thức ăn?”, anh Oscar Gonzalez, 43 tuổi, chia sẻ.
Anh Gonzalez là một thợ hàn sống tại khu Brisas del Sol của Santiago. Tuy nhiên, xưởng của anh đã đóng cửa vào tháng trước vì COVID-19. Khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng bất ổn xã hội khi mọi người kéo xuống đường, dựng rào chắn để yêu cầu nhà nước hỗ trợ.
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại khu ổ chuột La Pintana ngổn ngang của Santiago. Người dân địa phương đã có những phản ứng nhanh chóng trước khủng hoảng. Họ đã tự lập ra những căn bếp tình nguyện để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch.
“Nếu chúng tôi không hỗ trợ lẫn nhau, ở đây không ai giúp đỡ chúng tôi”, bà Gloria Reyes, một thợ may 62 tuổi, đã tạo ra một căn bếp từ thiện nấu cháo cho người nghèo, nói..
“Tôi đã 55 tuổi, gia đình tôi sống tại đây đã được nhiều năm, nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến nhiều căn bếp từ thiện đến vậy. Tuần trước là 20 căn bếp và tuần này đã tăng lên 40 bếp”, bà Claudia Pizarro, Thị trưởng của La Pintana, nói.
Bà Pizarr cho biết khu vực La Pintana có hơn 2.100 trường hợp mắc COVID-19 và hơn 50% các xét nghiệm virus PCR đang được tiến hành cho kết quả dương tính. Khu vực này cũng đã có 15 người tử vong vì dịch COVID-19.
Tại Sao Paulo, siêu đô thị rộng 12,2 triệu dân của Brazil, virus SARS-CoV-2 đã lây lan cho 86.000 người và trên 6.400 ca tử vong.
Tính đến thời điểm hiện tại, Brazil là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong tổng số 210 triệu dân, quốc gia này đã ghi nhận trên 25.000 ca tử vong và trên 410.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
“Chúng tôi phải đưa ra những biện pháp phòng dịch công cộng của riêng mình và những biện pháp thay thế trước sự thờ ơ của chính phủ. Chúng tôi phải chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất”, ông Gilson Coleues, một quan chức tại Paraisopolis, khu ổ chuột lớn thứ hai ở Sao Paulo, nói.
Ở Argentina, một ổ dịch bùng phát tại khu ổ chuột ở Buenos Aires tuần trước đã buộc chính phủ phải hoãn kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa sau 10 tuần.
Vào hôm 25/5, một đợt lây lan nguy hiểm khác tại khu ổ chuột Villa Azul đã khiến cảnh sát phải thực hiện kiểm dịch. Các nhà chức trách lo ngại virus này có thể lây lan sang một khu ổ chuột lớn hơn nhiều ở gần đó.
Tại những nơi khác, sự hạn chế của những biện pháp kiểm dịch của nhà nước - một lỗ hổng tồn tại trước đại dịch - đã khiến các tổ chức tội phạm trỗi dậy, dùng uy lực của mình để tăng cường kiểm soát dịch bệnh, giúp đỡ các cộng đồng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh.
Chuyên gia an ninh Douglas Frah chia sẻ với một diễn đàn gần đây tại Washington nhận định khả năng các nhóm này sẽ lấp đầy khoảng trống mà chính quyền chưa thực hiện được. Ông cho rằng đây là “xu hướng đáng báo động nhất kể từ khi virus tấn công”.
Ở Mexico, các nhóm tội phạm đã phân phát thực phẩm và thuốc men cho người dân trong đại dịch COVID-19. Tại Honduras, các băng đảng đã tổ chức các chiến dịch khử trùng phương tiện giao thông, bảo vệ bản thân khỏi virus SARS-CoV-2 tại những khu vực mà họ kiểm soát.
Theo Liên hợp quốc, gần 89 triệu người trong khu vực đã không được thực hiện những biện pháp vệ sinh cơ bản nhất, như không thể rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa virus.
Tại Peru, gần 1/3 trong số 10 triệu dân của thủ đô Lima đang phải đối mặt với những vấn đề thiếu nước nghiêm trọng.
“Cuộc khủng hoảng nước ở Lima là một mối đe dọa thầm lặng. Dân số dễ bị tổn thương nhất là những người có nguy cơ cao nhất phải đối mặt với đại dịch”, bà Mariella Sanchez, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Aquafondo, cho biết.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điện, xăng dầu đã khiến tình trạng thiếu nước ở Venezuela trở nên trầm trọng hơn. Tại thị trấn San Cristobal ở biên giới Colombia, gia đình anh Reinaldo Vega đã phải xách xô lấy nước từ một đường ống trên phố và sử dụng những gì anh ta gọi là kỹ thuật "thám thính" để vượt qua những khó khăn này.
“Đó là cách khiến chúng tôi có thể tồn tại”, anh chia sẻ khi đi kiếm củi để nấu thức ăn.