Các hãng hàng không nối lại đường bay quốc tế với Campuchia

Ngày 5/5, báo Khmer Times đưa tin có thêm nhiều hãng hàng không trong khu vực xúc tiến nối lại đường bay quốc tế tới Campuchia trong tháng này theo hướng dẫn chặt chẽ về đảm bảo an toàn trong mùa dịch COVID-19.

Kể từ đầu tháng 5/2020, các hãng Cambodia Angkor Air (Campuchia), China Air và Eva Air đã khôi phục đường bay tới sân bay quốc tế Phnom Penh (Campuchia). Các hãng hàng không lớn khác như Qatar Airways, Cathay Pacific, Thai Airways và Emirates cũng lên kế hoạch nối lại các chuyến bay tới Campuchia trong hai tháng tới đây. 

Chú thích ảnh
Máy bay của Thai Airways tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, quyết định tái khởi động đường bay đều kèm theo việc áp dụng các biện pháp an toàn sức khỏe cho hành khách và phi hành đoàn trong suốt chuyến bay, như khách phải làm xét nghiệm máu tại chỗ hay nhân viên hàng không phải mặc đồ bảo hộ. Bên cạnh đó, các hành khách phải đeo khẩu trang y tế tại sân bay và trên máy bay, đồng thời tuân thủ yêu cầu giãn cách trong chuyến bay. 

Những biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe nghiêm ngặt như vậy cho thấy các hãng hàng không đang rất nỗ lực để đưa máy bay cất cánh trở lại và có thu nhập trong khi đại dịch COVID-19 đang đẩy nhiều hãng hàng không đến sát “miệng vực”.

Theo số liệu cập nhật của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) về tác động của đại dịch COVID-19 đến ngành hàng không thế giới, doanh thu vận tải hành khách bằng đường không tính từ đầu năm đến nay đã giảm 252 tỷ USD (44% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong mùa dịch, Campuchia vẫn duy trì mở cửa đối với các đường bay quốc tế, với việc cho phép một số chuyến bay đưa người nước ngoài trở về nhà. Các chuyến bay tới Trung Quốc và một số điểm khác vẫn mở, chỉ một số dịch vụ không thiết yếu tại 3 sân bay quốc tế của Campuchia ở Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville tạm đóng trong mùa dịch

Liên quan tới việc mở cửa lại nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 tại Singapore, ngày 4/5, Bộ trưởng Y tế nước này Gan Kim Yong cho biết, việc mở cửa lại nền kinh tế tiến hành theo từng giai đoạn sau đại dịch COVID-19 tại Singapore sẽ phải cân nhắc tới các yếu tố như số ca nhiễm, tình hình dịch bệnh trên toàn cầu và khả năng thiết lập hệ thống bảo đảm an toàn khi mở cửa nền kinh tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu trước Quốc hội Singapore, Bộ trưởng Gan Kim Yong đã đặt ra 3 điều kiện để tái mở cửa nền kinh tế Singapore. Thứ nhất, số ca nhiễm trong cộng đồng hằng ngày phải giảm xuống 0 hoặc ít nhất là 1 con số, với số ca không rõ nguồn gốc rất thấp trong một giai đoạn nhất định.

Đồng thời, số ca nhiễm trong lao động nước ngoài phải giảm xuống hơn nữa. Thứ hai, việc mở lại đường biên giới sẽ cần phải tính toán tới tình hình toàn cầu, tình hình cụ thể của mỗi nước, tỷ lệ lây nhiễm tại quốc gia đó cũng như các biện pháp đang được triển khai. Việc mở cửa đường biên sẽ được thực hiện một cách có lựa chọn với từng quốc gia cụ thể. Điều kiện cuối cùng đó là Singapore phải thiết lập một hệ thống bảo đảm an toàn khi mở cửa, trong đó các biện pháp theo dấu và xét nghiệm là chủ đạo. 

Đối với việc xét nghiệm, Bộ trưởng Gan Kim Yong cho biết, trong thời gian tới, Singapore có thể nâng năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 từ 8.000 ca/ngày lên 40.000 ca/ngày. Ngoài ra, chiến lược xét nghiệm diện rộng trên cả nước cũng đang được tính toán.

Theo Bộ trưởng Phát triển quốc gia Lawrence Wong, khi mở cửa lại nền kinh tế, các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi văn hoá làm việc. Thay đổi này sẽ áp dụng với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Cuộc sống sau phong toả sẽ không thể trở lại như trước khi xuất hiện dịch bệnh.

Tính tới ngày 4/5, tổng số ca nhiễm tại Singapore đã lên tới 18.778 ca.

Liên quan tới vấn đề xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm liên quan tới virus SARS-CoV-2, Chính phủ Philippines cũng đã đặt ra mục tiêu tới cuối tháng Năm, nước này sẽ có 78 phòng xét nghiệm COVID-19.

Chủ tịch Cơ quan Phát triển và chuyển đổi các chất nền Philippines Vince Dizon cho biết lý do chính phủ Philipppines quyết định đầu tư vào việc tăng cường nỗ lực xét nghiệm là do chính phủ nhận định sẽ phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm mới có thể tìm ra được vaccine hiệu quả cho việc phòng chống COVID-19. Việc trang bị thêm các phòng xét nghiệm này có thể giúp ngành y tế Philippines có thể tiến hành  thực hiện 30.000 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày vào cuối tháng này.

Hiện Philippines mới chỉ có 20 phòng xét nghiệm được cấp phép trên toàn quốc. Tính đến ngày 3/5, các phòng xét nghiệm của Bộ Y tế Philippines mới tiến hành được tổng cộng 5.264 xét nghiệm/ngày, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 8.000 xét nghiệm hàng ngày vào ngày 30/4. Đến nay, đã có tổng cộng 113.574 người được xét nghiệm.

Tính đến ngày 4/5, Philippines đã ghi nhận 9.485 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong đó có 623 ca tử vong và 1.315 ca hồi phục.        

Trang Nhung - Lê Dương - Thế Vũ (TTXVN)
Mỹ viện trợ thêm cho Campuchia đối phó với dịch COVID-19 
Mỹ viện trợ thêm cho Campuchia đối phó với dịch COVID-19 

Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia ngày 28/4 cho biết Chính phủ Mỹ cam kết tài trợ thêm 1,5 triệu USD hỗ trợ Campuchia trong cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN