Phát biểu trước một ủy ban thuộc Nghị viện châu Âu (EP), ông Reynders nêu rõ "chứng nhận xanh" COVID-19 cung cấp thông tin về tiêm chủng, các kết quả xét nghiệm hay quá trình phục hồi sau khi mắc bệnh của người sở hữu, và có giá trị cho đến khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch COVID-19 đã kết thúc.
Ông nhấn mạnh EU muốn mang đến một công cụ mà dựa vào đó các cơ quan chức năng có thể tạo điều kiện cho việc đi lại tự do an toàn trong mỗi nước và giữa các quốc gia thành viên. Cũng theo quan chức trên, các hãng hàng không có thể dễ dàng xác minh tính hợp lệ của chứng nhận COVID-19 khi hành khách làm thủ tục lên máy bay tại quầy.
Trước đó, trong cuộc thảo luận toàn thể vào ngày 24/3 vừa qua với đại diện của Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu, hầu hết các nghị sĩ EP đều ủng hộ việc nhanh chóng triển khai chứng nhận xanh kỹ thuật số. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và y tế. Các nghị sĩ cũng cho rằng không nên phân biệt đối xử đối với những người chưa được tiêm phòng.
Ủy ban châu Âu ngày 17/3 đã đưa ra đề xuất triển khai chứng nhận xanh kỹ thuật vào mùa Hè này nhằm đảm bảo việc tự do đi lại giữa các nước thành viên trong EU để giúp khôi phục ngành du lịch quốc tế. Chứng chỉ có 3 thành tố gồm chứng nhận tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã mắc COVID-19, cho thấy người sở hữu chứng chỉ này không gây lây lan dịch bệnh.
Các quốc gia EU ở miền Nam phụ thuộc vào ngành du lịch, hy vọng việc cấp chứng nhận này sẽ giúp ngành du lịch phục hồi trong mùa hè này. Trong khi đó, các nước như Đức, Pháp, và Bỉ có ý kiến ngược chiều, nhấn mạnh rằng tiêm chủng tại châu Âu là không bắt buộc và không có đủ vaccine tiêm cho tất cả mọi người.